Trong nước

Hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội

Trường Giang - Khương Trung 06/06/2023 - 16:11

Đó là một trong 6 nhóm giải pháp mà Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tập trung, trong lĩnh vực  lao động, thương binh và xã hội, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội diễn ra ngày 6/6. 

Tập trung thực hiện 6 giải pháp

Phát biểu kết luận nội dung chất nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận phiên chất vấn diễn ra sối nổi, trách nhiệm, đi thẳng vào những vấn đề người dân, cử tri, doanh nghiệp quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, trong nhiệm kỳ thứ hai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dunh đã có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và trong trả lời chất vấn, đã nắm rất chắc các quy định của Đảng và Nhà nước, cũng như tình hình thực trạng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ; trả lời đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu. Đồng thời đề xuất được nhiều giải pháp và cam kết với Quốc hội cả về việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, pháp luật cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện những nội dung mà thuộc lĩnh vực trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.

060620230837-z4407958693651_0884864bd6c255738573fb40cff75994.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn

Qua Báo cáo của Chính phủ và diễn biến tại phiên họp cho thấy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có rất nhiều nỗ lực và cố gắng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề có liên quan và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bên cạnh những thành quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận trong lĩnh vực lao động, việc làm, còn không ít những tồn tại, hạn chế và yếu kém như trong báo cáo và các đại biểu Quốc hội đã nêu ra.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra.

Thứ nhất là tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhất là các quy định, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chiến lược quy hoạch, đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động...

Thứ hai, trong năm 2023, rà soát, thống kê đầy đủ nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm, đổi mới đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên nguyên tắc đóng hưởng bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết dứt điểm các trường hợp thu chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định. Chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, giải quyết các trường hợp phát sinh khác mà pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm đề xuất xưởng xử lý đối với từng cá nhân, cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng này.

Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày theo hướng xanh, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Nắm sát, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình diễn biến của nền kinh tế và biến động của thị trường lao động để chủ động ứng phó, có giải pháp hỗ trợ kịp thời bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách ứng dụng khoa học công nghệ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước, trong tổ chức thực hiện chính sách và chế độ về bảo hiểm xã hội.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội; chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Thứ năm, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội. Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Việc làm để tạo nhiều cơ hội việc làm thuận lợi cho người dân. Chủ động phòng ngừa thất nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp với quá trình phát triển kinh tế số. Khẩn trương hoàn thành hệ cơ sở dữ liệu về lao động và thị trường lao động, hướng tới quản trị thị trường lao động, việc làm hiện đại.

Rà soát chính sách phát triển nguồn nhân lực

Trước đó, tham gia trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới, từ góc độ về quan điểm tư duy, chủ trương sẽ rà soát chính sách tăng trưởng xanh của đất nước, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ. Tất cả những vấn đề này có liên quan mật thiết đến 1 trong 3 đột phá - đó là phát triển nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã thành lập quỹ, nhưng như các đại biểu Quốc hội nêu, năng suất lao động chưa có sự bứt phá.  Do vậy, cần tập trung cho vấn đề nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực, có sự kết nối liên thông từ giáo dục phổ thông đến giáo dục trung, cao đẳng, đại học, cao học và đào tạo giáo sư, tiến sĩ.

pttgtranhongha.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên chất vấn

“Điều này đòi hỏi sự kết nối liên thông giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai. Trong đó, đào tạo cần sự phân bổ các nguồn lực để tập trung đào tạo, đặc biệt đối với doanh nghiệp cần quan tâm đến nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dược sinh học, kết nối vạn vật, máy tính lượng tử, năng lượng mới…”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đây là những tiềm năng tạo ra công ăn việc làm cho lao động, nhưng xuất phát điểm phải xuất phát từ nguồn lực, Việt Nam có thể đi sau nhưng có thể đón đầu, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.

Vậy Việt Nam có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trung tâm nghiên cứu phát triển doanh nghiệp này không? đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đặt câu hỏi.

Trường Giang - Khương Trung