Môi trường

Giải pháp cho ô nhiễm nhựa - từ nhận thức đến hành động: Toàn dân đồng lòng thực hiện lối sống hài hòa với thiên nhiên

Đình Trung (thực hiện) 06/06/2023 15:08

(TN&MT) - Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa ngày một trở nên nghiêm trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người.

Nhân Ngày Môi trường thế giới năm 2023, phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT) trong việc tìm các giải pháp về chính sách, pháp lý để toàn dân đồng lòng thực hiện lối sống hài hòa với thiên nhiên, chống ô nhiễm nhựa.

PV: Thưa ông, Ngày môi trường thế giới năm 2023 với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”, xin ông cho biết rõ thêm về mục tiêu mà chúng ta hướng đến của chiến dịch này?

Ông Hoàng Văn Thức: Ngày Môi trường thế giới năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution). Chủ đề năm nay nhấn mạnh việc biến các cam kết thành hành động thực tiễn, áp dụng rộng rãi các giải pháp giảm thiểu nhựa, đặt mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường.

cuc-truong-hvt.jpg
Ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT)

Mục tiêu mà chúng ta hướng đến là giải quyết dứt điểm các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường từ đất liền đến đại dương. Ngày Môi trường thế giới năm nay sẽ truyền tải mạnh mẽ hơn thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Như chúng ta đã biết, trước đó, tại Hội nghị Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5) tổ chức tại Nairobi, Kenya đầu năm 2022, Việt Nam cùng với các quốc gia thành viên đã thông qua Nghị quyết mang tính lịch sử: "Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế", nhằm nhanh chóng giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nhựa từ đất liền đến đại dương, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về tăng cường ứng dụng khoa học, xây dựng chính sách ở tất cả các cấp của mỗi quốc gia trong việc cải thiện hiểu biết về tác động toàn cầu của ô nhiễm nhựa đối với môi trường, thúc đẩy các giải pháp tiến bộ ở cấp địa phương, khu vực và toàn cầu. Tập trung vào các biện pháp xem xét toàn bộ vòng đời của nhựa, từ chế biến, sản xuất đến thu gom để quản lý chất thải nhựa; tầm quan trọng của việc thúc đẩy sử dụng bền vững các sản phẩm và vật liệu có thể được tái sử dụng, tái sản xuất hoặc tái chế, giảm thiểu việc tạo ra chất thải, góp phần đáng kể vào việc sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững. Sự kiện này đã thể hiên cam kết mạnh mẽ của Việt Nam ở tầm quốc tế trong cuộc chiến chống rác thải nhựa và thể hiện một quyết tâm ở mức độ pháp lý cao hơn để thực thi pháp luật trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm nhựa.

PV: Để tham gia cũng như tiến tới đàm phán thực thi một khung pháp lý toàn cầu về nhựa, thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và thực thi những chính sách nào làm nền tảng cho cuộc chiến chống rác thải nhựa ở tầm quốc gia và quốc tế, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Thức: Những năm qua, Việt Nam đã, đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Điển hình như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Tuy nhiên, sự tiện dụng của túi ni lông tạo nên thói quen khó bỏ của người tiêu dùng trong việc sử dụng. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu không có những ràng buộc pháp lý mạnh mẽ trong việc hạn chế dùng túi ni lông thì không bao lâu nữa túi ni lông sẽ tràn ngập khắp các đường phố, kênh rạch, ruộng đồng..., môi trường sẽ bị hủy hoại nặng nề và khó có thể khắc phục được.

lhk.jpg
Các tình nguyện viên thực hành thu gom rác thải nhựa tại bãi biển xã Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị).

Thời gian tới, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tiếp tục phối hợp với Vụ Môi trường hoàn thiện dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022. Cục cũng phối hợp với Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học xây dựng nội dung hướng dẫn bộ, ngành và địa phương nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường năm 2024, giai đoạn 2024 - 2026…

PV: Thưa ông, bên cạnh việc xây dựng các chính sách, pháp luật làm cơ sở để thực thi các giải pháp, chúng ta còn cần phải thực hiện những nội dung nào để đảm bảo cho cuộc chiến chống rác thải nhựa thành công?

Ông Hoàng Văn Thức: Tôi cho rằng thông điệp của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chia sẻ trong Lễ Mit tinh tại Quảng trường Bình Minh (TX. Cửa Lò, Nghệ An) đã thể hiện khá rõ. Đó là sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực trong nội bộ, chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi nhất định trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường. Trong đó, mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa; thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn.

Ngày Môi trường thế giới không chỉ là dịp để mỗi người tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, mà còn nâng cao hơn nữa nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta hãy lên tiếng vì môi trường, nhận ra những thách thức mà con người đang phải đối mặt, qua đó, nêu cao tinh thần, trách nhiệm và bằng những hành động nhỏ hàng ngày như, phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nơi phát sinh, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy hướng tới mục tiêu chung vì cuộc sống người dân, vì sự phát triển bền vững của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đình Trung (thực hiện)