Ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại cho đồng bào
(TN&MT) - Đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Trước thực trạng đó, từ Trung ương đến địa phương đã và đang đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ đồng bào chuyển đổi sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống.
Những chính sách quan trọng hỗ trợ đồng bào
Trong Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ xác định rõ mục tiêu quan trọng nhất là tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái, trong đó có cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Lào Cai là một trong các tỉnh tích cực triển khai lồng ghép biến đổi khí hậu trong nhiều quy hoạch, kế hoạch, đề án của tỉnh, điển hình như: Quy hoạch cấp nước sạch tỉnh Lào Cai đến năm 2015; Quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh; Đề án về tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đến 2020; Đề án tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai, đến 2020… Giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên, chủ động lồng ghép biến đổi khí hâu trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động…
Thông qua việc đầu tư cho các dự án áp dụng khoa học, công nghệ, nâng cao nhận thức người dân, Chính phủ kỳ vọng sẽ giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại đối với người dân và đồng bào dân tộc.
Vì vậy, khi phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ ưu tiên cho các dự án: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa.
Thủ tướng Chính phủ còn ban hành Quyết định 2086/QĐ-TTg về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 nhằm duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững.
Lồng ghép quy hoạch, chuyển đổi sinh kế cho đồng bào
Nắm rõ chủ trương của Chính phủ về việc lồng ghép biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, nhiều tỉnh và địa phương đang tích cực triển khai xây dựng các quy hoạch phù hợp. Đồng thời, triển khai các dự án thực tế nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mới đây nhất, Dự án Phát triển sinh kế (IDEAS) đồng hành cùng khát vọng nông nghiệp bền vững và cải thiện cuộc sống nơi núi rừng Tây Bắc giai đoạn II (2021 - 2030) đã được khởi động. Tại giai đoạn này, bổ sung 4 mô hình sản xuất vào trang trại nhằm đa dạng hóa các hệ thống sản xuất của địa phương và tận dụng thế mạnh từng vùng.
Bên cạnh đó, Dự án sẽ củng cố năng lực kỹ thuật và quản lý tư vấn trang trại cho cán bộ tư vấn, nâng cao chuyên môn và nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái; Xây dựng và củng cố dịch vụ nông nghiệp của hợp tác xã; Hỗ trợ các hộ dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Để hoàn thiện mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững, Dự án cũng sẽ thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc phổ cập các kiến thức và văn hóa cho người dân bản địa.
Với những chính sách và dự án cụ thể ở từng địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã và đang dần ổn định đời sống trước những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai.