Xã hội

Bảo Lâm (Cao Bằng): Sức bật mới cho vùng biên viễn

Nguyễn Hùng 29/10/2021 20:34

(TN&MT) - Bảo Lâm là huyện vùng cao, biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng. Những năm qua, huyện Bảo Lâm đã triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Góp phần tạo “sức bật” để đồng bào DTTS có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Trao “cần câu” cho người dân

Từ TP. Cao Bằng vượt gần 180km đường đèo dốc quanh co, hiểm trở, chúng tôi đến thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm. Giờ đây, vùng đất này có nhiều đổi thay thật ngoạn mục với một diện mạo mới, sức sống mới. Cuộc sống của đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm đã thật sự khởi sắc, không còn những ngày thiếu ăn, thiếu mặc như trước đây, thay vào đó là những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả từ thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc của huyện và sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước qua các chương trình, dự án đầu tư phát triển.

1-43-.jpg
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Hoàng Văn Quang đã thực hiện mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo để thoát nghèo bền vững.

Huyện Bảo Lâm có 13 xã, thị trấn thuộc khu vực III, với 153 xóm thuộc xóm đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện trên 65 nghìn người, trong đó, đồng bào DTTS chiếm gần 99%. Hiện nay, huyện có trên 81% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã, thị trấn có điện lưới quốc gia đến trung tâm, 52% số hộ dân được sử dụng điện quốc gia; 162/196 xóm có đường ô tô, giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2019 giảm được 22,89%.

Hộ gia đình anh Hoàng Văn Quang, dân tộc Mông là một trong những hộ cận nghèo ở khu 4, thị trấn Pác Miầu. Trên gương mặt hiểm hiện niềm vui, anh Quang hồ hởi cho biết, năm 2013, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, sau một thời gian gia đình anh đã trả được hết nợ, vươn lên phát triển kinh tế.

“Thấy hiệu quả thực tế từ mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, năm 2019, tôi tiếp tục vay 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ cận nghèo để sửa chữa chuồng trại chăn nuôi và mua thêm 3 con bò vỗ béo. Hiện, gia đình tôi còn 8 con trâu, bò vỗ béo và 3 con bò cái sinh sản. Những chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước đã cho gia đình “cần câu”, nhờ vậy cuộc sống của gia đình giờ đã ổn định hơn rất nhiều” - anh Quang tâm sự.

Đưa các chính sách về vùng đồng bào DTTS

Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện các tiểu dự án từ nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình 30a, huyện Bảo Lâm đã hỗ trợ người dân trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản như: hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; phân bón, thức ăn chăn nuôi; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi… Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện 2 chương trình trên 60 tỷ đồng.

2-42-.jpg
Huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) đang dần khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Ngoài ra, huyện Bảo Lâm đã tập trung nguồn vốn trên 3,4 tỷ đồng đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS. Cùng với đó, nhiều chương trình, dự án khác đầu tư cho vùng DTTS cũng được triển khai thực hiện. Đặc biệt là thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, huyện Bảo Lâm đã giải ngân cho 62 lượt hộ đồng bào DTTS vay vốn, tổng số tiền vay trên 2,8 tỷ đồng.

Ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) khẳng định: Các chính sách dân tộc được huyện triển khai hiệu quả, kịp thời đã tạo nên sức bật cho vùng đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã và đang đổi thay căn bản và ngày càng được nâng cao.

“Thời gian tới, huyện Bảo Lâm tiếp tục rà soát và xác định nhiều hạng mục đầu tư, cơ sở hạ tầng cho vùng khó khăn; chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn triển khai đầy đủ các chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS để đảm bảo đời sống cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn ngày càng ổn định và phát triển” - Ông Mã Gia Hãnh thông tin.

Nguyễn Hùng