Xã hội

Bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa: Nền tảng cho bền vững sinh học tương lai

Mai Nhân 18/09/2015 20:24

(TN&MT) - Quảng Bình là tỉnh được tự nhiên ưu ái một số giống cây trồng, vật nuôi bản địa có chất lượng cao.

Tuy nhiên, do sự du nhập quá nhiều các loại cây trồng, vật nuôi khác nhau gây mối lo ngại về tình trạng suy thoái nguồn gen quý, năng suất, chất lượng sụt giảm. Chính vì vậy, công tác bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa đang được Quảng Bình tập trung đầu tư, giúp đồng bào dân tộc bảo tồn loại đặc sản.

Điển hình là Đề tài “Khai thác, phát triển nguồn gen cam mật Hiền Ninh, tỉnh Quảng Bình" bắt đầu được triển khai từ năm 2013 và kết thúc trong năm 2016. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tình, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Chủ nhiệm đề tài, cam mật là giống cây ăn quả bản địa có chất lượng tốt, giá trị hàng hóa cao, có thương hiệu và đang được trồng ở một số địa phương trong tỉnh, như: Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch...

images584733_anh1.jpg
Cam mật Hiền Ninh là giống cây ăn quả có múi đặc sản, có hương vị đặc trưng thơm ngon, giàu tiềm năng phát triển kinh tế

Tuy nhiên, do người dân không có hiểu biết nhiều về cây trồng và cây được trồng đi trồng lại qua nhiều thế hệ mà không được chọn lọc, phục tráng, nên cây đã thoái hóa, phân ly. Trên thực tế, qua điều tra cho thấy, khoảng 80% diện tích cam mật có chất lượng
trung bình đến kém, số cam này trồng phần lớn trên 15 năm, bị sâu bệnh, lũ lụt, mưa bão làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.

Bà con lại quen trồng theo phương pháp chiết cành, nhưng lại sử dụng cành chiết già, kém chất lượng. Bà Nguyễn Thị Thanh Tình khẳng định, bên cạnh mục tiêu bảo tồn, phát triển nguồn gen cam mật Hiền Ninh, đề tài còn hướng đến việc xây dựng vườn ươm sản
xuất với quy mô 5.000 cây/năm, cung cấp cây giống cho các vùng trồng tập trung của tỉnh và các địa phương khác. Đồng thời, sẽ sản xuất hơn 1.000 cây giống cam mật chất lượng từ nguồn giống được tuyển chọn để xây dựng được 2 hécta mô hình trồng mới giống cam mật Hiền Ninh chất lượng tốt, năng suất và hiệu quả sản xuất cao, làm cơ sở tham quan, khuyến cáo nhân rộng mô hình.

3-6-.jpg
Công tác bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa đang được Quảng Bình tập trung đầu tư

Sau hơn 3 năm triển khai, đề tài “Khai thác, phát triển nguồn gen cam mật Hiền Ninh, tỉnh Quảng Bình” đã mang lại những kết quả khả quan. Các nhà nghiên cứu đã hoàn thiện việc đánh giá bổ sung các đặc điểm nông sinh học và giá trị nguồn gen của giống cam mật Hiền Ninh.

Những năm qua, với mục tiêu phát huy lợi thế cây trồng đặc sản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, năng lực sản xuất của đồng bào DTTS, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung phát triển một số loại cây bản địa, trong đó có loại quýt hoi (hay còn gọi là quýt hôi hay quýt rừng). Là loại cây dễ tính, tuy nhiên do trong một thời gian dài bị lãng quên, ít được chăm sóc nên loại cây này bị thu hẹp dần diện tích trồng.

Để khôi phục và phát triển giống quýt hoi, thời gian qua, huyện Bá Thước đã triển khai thực hiện Đề tài “Phục hồi và phát triển giống quýt hoi trên địa bàn huyện Bá Thước” cũng như lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ cho nông dân cây giống, phân bón và hướng dẫn chăm sóc đúng quy trình, nhờ đó quýt hoi đang dần được hồi phục. Hiện nay, huyện Bá Thước đang có hơn 60ha quýt hoi tập trung ở các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao...

Ông Hà Văn Quân, một hộ dân trồng quýt hoi ở xã Ban Công cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng sắn, ngô, nhưng do đất trồng có nhiều sỏi, đá nên hiệu quả không cao. Sau khi được hướng dẫn, tôi trồng thử nghiệm hơn chục cây quýt hoi, chỉ một thời gian cây phát triển, tôi đã nhân giống ra trồng nhiều hơn. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 1.000 cây, mỗi năm cho khoảng 5-6 tấn quả”. Vỏ quả quýt hoi có nhiều tinh dầu, mang mùi thơm đặc trưng, phát huy đặc tính này, hiện ở Bá Thước có một số đơn vị thu mua, chế biến tạo thành những sản phẩm đặc trưng như trà, siro quýt hoi... từ đó giúp bà con nhân dân có động lực hơn để phát triển loại cây bản địa này.

Có thể nói, nhờ việc tận dụng lợi thế phát triển, xây dựng những mô hình nuôi trồng các loại sản vật bản địa đặc trưng mà cuộc sống đồng bào DTTS ở vùng cao đang đổi thay từng ngày.

Mai Nhân