Gia Nghĩa tăng cường bảo vệ rừng phát triển rừng bền vững
(TN&MT) - Thực hiện Nghị quyết của tỉnh ủy về ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo, cấp ủy, chính quyền thị xã Gia Nghĩa (Đắc Nông) đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn việc phá rừng và các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 6/5/2013 của Tỉnh ủy về ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo, cấp ủy, chính quyền thị xã Gia Nghĩa đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn việc phá rừng và các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản.
Theo đó, thị ủy Gia Nghĩa đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Thị xã đã lập kế hoạch và thực hiện kiểm tra chốt chặn, truy quét những điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đến nay, các đơn vị chức năng đã thực hiện được 4 đợt chốt chặn, truy quét tại 2 xã Quảng Thành và Đắk Nia để đấu tranh ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm thị xã và UBND xã Đắk Nia còn phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện Đắk Rlấp ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trong khu vực Thủy điện Đắk Rtíh, xã Đắk Nia.
Song song đó, việc tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu và theo dõi, nắm bắt tình hình dân di cư tự do cũng được chú trọng. Qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn thị xã có 362 hộ với 1212 khẩu dân di cư tự do từ các địa phương khác đến sinh sống, làm ăn. Trước thực tế trên, thị xã đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, thống kê, phân loại các đối tượng đầu nậu, chủ đường dây mua bán đất rừng, lâm sản trái pháp luật cũng như tiến hành khởi tố các vụ án do các đối tượng chủ mưu thuê, kích động dân di cư tự do phá rừng, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện, gây rối trật tự xã hội.
Công tác giám sát, quản lý hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến đồ gỗ, đồ mộc dân dụng cũng như rà soát, thống kê các xưởng chế biến lâm sản thuộc diện phải di dời vào cụm công nghiệp để quản lý, theo dõi, không để lợi dụng đưa lâm sản có nguồn gốc phạm pháp vào gia công, chế biến cũng được tăng cường.
Thị xã cũng phối hợp tổ chức tập huấn tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho 60 cơ sở kinh doanh buôn bán, sản xuất đồ mộc và 11 cơ sở nuôi nhốt động vật rừng trên địa bàn. Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức thì 305 hộ dân sống gần các khu rừng trên địa bàn cũng được tổ chức ký cam kết với chủ rừng cùng có trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ 3 rừng và phòng, chống cháy rừng. Đồng thời, 29 cơ sở nhà hàng, quán ăn... cũng tiến hành ký cam kết không kinh doanh, buôn bán, giết mổ động vật hoang dã.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nên công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng phá rừng và các vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn thị xã đã có những chuyển biến tích cực. Trong 3 năm qua, các đơn vị chức năng của thị xã đã đấu tranh, ngăn chặn và xử lý 34 vụ phá rừng; trong đó, có 8 vụ vi phạm hình sự thì đã khởi tố 4 vụ với 10 bị can để răn đe, giáo dục. Vì vậy, tình trạng phá rừng giảm dần qua từng năm, nếu năm 2013, có 25 vụ vi phạm, với diện tích rừng bị phá là 7,8 ha thì năm 2014 giảm xuống chỉ còn 2,98 ha...