Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Đưa tài nguyên nước trở thành tài nguyên quý giá của quốc gia
(TN&MT) – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu mọi ý kiến xây dựng của các Đại biểu Quốc hội để từ đó hoàn thiện chính sách nhằm đạt được mục đích cao nhất là đưa tài nguyên nước trở thành tài nguyên quý giá của đất nước.
Chiều 5/6, tại buổi thảo luận Tổ (Tổ 10 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng Tháp, Thái Bình và Hà Giang), thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trân trọng cảm ơn ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến để hoàn thiện Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở tổng kết Luật Tài nguyên nước 2012, từ đó đánh giá được các hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý sử dụng tài nguyên nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cũng phân tích hạn chế và sự giao thoa, chồng chéo với một số pháp luật; sự lãng phí của nguồn lực. “Chúng ta là một quốc gia có lợi thế về tài nguyên nước, tuy nhiên trong quá trình sử dụng còn chưa hiệu quả, do đó làm thế nào để sử dụng hiệu quả, khung pháp lý đảm bảo cho an ninh nguồn nước, điều tiết nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay biến đổi khí hậu tác động rất lớn tới nước ta”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, vấn đề thực tế đặt ra ở nước ta là mùa nắng thì thiếu nước, mùa mưa thì lụt lội vì nguồn nước của chúng ta không có sự ổn định giữa các mùa, do đó bài toán là sử dụng nguồn nước thế nào? Giữ nguồn nước thế nào? Công trình thủy lợi thế nào? Giữ sinh thủy ra sao?... mà việc xây dựng Dự thảo Luật phải tính đến và cũng là thách thức đặt ra khi xây dựng luật.
Cũng theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh so với Luật Tài nguyên nước năm 2012, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này giữ nguyên chỉ có 9 điều, sửa đổi bổ sung 59 điều, bổ sung 15 điều, bãi bỏ 13 điều như vậy cơ bản đã sửa, vấn đề sửa thế nào trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, quan điểm của chúng ta, nước là hàng hóa, tài sản quý giá của đất nước và phải bảo vệ và sử dụng, điều tiết một cách hài hòa, hợp lý. Ở những địa phương làm được thủy lợi tốt, giữ được nguồn nước, đảm bảo và điều tiết được nguồn nước thì đỡ lũ lụt, hạn hán.
Trước ý kiến các Đại biểu Quốc hội về làm thế nào để khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nhất, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ trên quan điểm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, từ đó thống nhất, đảm bảo minh bạch để khai thác tối đa nguồn lực của tài nguyên nước (phân bổ, điều tiết, sử dụng hiệu quả nguồn nước...). Do đó, khi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được ban hành chúng ta phải có những chính sách, dự án để thực hiện, điều tiết việc này.
Thứ hai, để đảm bảo an ninh nguồn nước thì vấn đề đặt ra là giữ nước như thế nào? tạo sinh thủy ra sao? “Mưa mà chúng ta không có các công trình thủy lợi thì không giữ được để nước chảy ra biển hết, nhưng nắng lên thì không có nước để dùng”, Bộ trưởng nói. Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh những vấn đề đó sau khi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức thực hiện các việc liên quan tới giữ gìn, bảo vệ nguồn nước để đảm bảo an ninh nguồn nước.
Một vấn đề đặt ra theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh là kiểm soát, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước mà chúng ta tái chế, tái sử dụng được thì rất hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm nguồn nước. Hiện nay, nhiều dự án đã xử lý tuần hoàn tài nguyên nước gần như không có nước thải, như vậy rất cần những hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo vừa kiểm soát ô nhiễm mà sử dụng nguồn nước hợp lý. Trong Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và công trình khai thác của Trung ương, địa phương tránh xung đột, tạo thành hệ thống đồng bộ từ quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên nước, “đó là mục đích chúng ta phải hướng đến” – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.
Trong vấn đề quản lý nguồn nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng xu hướng sắp tới sẽ quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số. Muốn quản lý được thì phải điều tiết được, muốn điều tiết được phải có số liệu, dữ liệu, điều này đảm bảo điều tiết nguồn nước có tính khoa học, sử dụng hiệu quả nguồn nước, trên cơ sở đó sẽ ban hành các chính sách phù hợp. Do đó, việc áp dụng khoa học công nghệ sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước, hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực trong công tác quản lý tài nguyên nước.
“Với trách nhiệm cơ quan soạn thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp các ý kiến của các Đại biểu Quốc hội trên tinh thần cầu thị nhất, ghi nhận những những hạn, chế tồn tại mà các Đại biểu Quốc hội đã chỉ ra trong quá trình thảo luận, từ đó hoàn thiện cơ chế, chính sách để đạt được mục đích cao nhất là đưa tài nguyên nước trở thành tài nguyên quý giá của đất nước.” – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.