Tài nguyên nước

Đại biểu Quốc hội thảo luận dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Xã hội hóa để nước không còn “rẻ như cho”

Khương Trung - Trường Giang 05/06/2023 18:24

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 05/6, các Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), phát biểu tại cuộc họp của tổ 8, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đồng tình với những chính sách trong dự thảo Luật về xã hội hoá ngành nước để nước có giá chứ không còn “rẻ như cho”, từ đó khuyến khích sử dụng nước có trách nhiệm, tiết kiệm, hiệu quả.

Là ngành kinh tế chứ không chỉ là quản lý Nhà nước

Phát biểu tại tổ 10 (gồm các đoàn ĐBQH Thái Bình, Đồng Tháp, Hà Giang), theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Dự thảo Luật mới quy định tài nguyên nước gồm nước dưới đất, nước mặt, nước mưa và nước biển, tuy nhiên không có quy định nước thải. Trên thế giới ngày nay nước thải là một tài nguyên và nguồn nước ngày càng cạn kiệt mà trong luật cũng đặt ra vấn đề tái sử dụng chính là nước thải.

small_pct-dinh.jpg
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì thảo luận tại Tổ chiều 5/2023. 

Ở nước ta chủ yếu là nước chảy vào là nước sông từ Trung Quốc, Lào, Campuchia và chỉ có 2 con sông chảy ra là sông Kỳ Cùng và sông Sêrêpôk. Theo thống kê, ở nguồn nước của chúng ta chảy vào chỉ có 93%, chảy ra chỉ có 6%, ngoài ra là nước mưa. Trong khi đó nguồn sinh thủy là rừng thì ngày càng cạn kiệt, do đó, vấn đề quản lý tài nguyên nước là vấn đề không phải là một ngành đơn ngành mà là vấn đề đa ngành tổng hợp.

Tài nguyên nước ở nước ta so với thế giới là phong phú nhưng phân bổ không đều về mặt lãnh thổ, thời gian, về mùa mưa thì thừa, mùa hạn thì thiếu như ở Khánh Hòa, mùa mưa thì thừa 3 tỷ m3 nước, mùa hạn thì thiếu gần 800 triệu.

Bên cạnh đó, vấn đề tài nguyên nước của chúng ta đang đối mặt với vấn đề sử dụng lãng phí, khai thác quả mức, ô nghiễm nghiêm trọng là vấn đề đặt ra để giải quyết trong Dự thảo Luật. Trong khi đó, không tái tạo sử dụng lại nhiều dẫn tới việc hàng ngày bao nhiêu triệu m3 nước thải ra mà nếu có thể sử dụng công nghệ để tái sử dụng thì rất tốt, rất quý thay vì phải khoan, đục… để tạo nguồn nước. Lãng phí thất thoát có tài liệu thống kê ở nước ta từ 37 – 50%.

Do đó, những vấn đề trên cần đặt ra trong Dự thảo Luật vì nước không phải thứ không phải trời cho không mà là tài sản, hàng hóa có giá trị, và ngày càng có giá trị do đó, Nhà nước phải điều tiết nước như điều tiết điện. Đồng thời, do nước là hàng hóa mà đã là hàng hóa thì phải trả tiền và tài nguyên nước phải là một ngành kinh tế chứ không chỉ là quản lý Nhà nước. Do đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo Luật.

Xã hội hóa để nước không còn “rẻ như cho”

Chiều 5/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tham gia góp ý tại tổ 8, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) bày tỏ lo ngại về ô nhiễm nguồn nước.

dai-bieu-ta-thi-yen.jpg
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên)

Đại biểu nêu vấn đề: Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối đe dọa về ô nhiễm nguồn nước, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có các mối đe dọa. Mối đe dọa chính là tác động của nguồn nước ô nhiễm lên sức khỏe con người, có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035. Tác động nhỏ hơn khoảng 0,8% tới năng suất lúa là do ảnh hưởng của chất lượng nước kém. Mô hình này chưa tính đến hậu quả kinh tế do các hình thức ô nhiễm nước khác, bao gồm cả xâm nhập mặn của nguồn nước mặt và nước dưới đất. Mức độ ô nhiễm cao còn hạn chế sự phát triển bền vững và tương lai của các ngành công nghiệp, nông nghiệp. Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 - 18,6 triệu đô la mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời.

Do đó, đại biểu cho rằng việc quy định đồng bộ với một số luật chuyên ngành về quy hoạch, bảo vệ môi trường, đầu tư…rất quan trọng để đảm bảo nguồn nước khai thác, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, tránh thiệt hại về kinh tế cho tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân đang khai thác, sử dụng nguồn nước. “Trước khi điều chỉnh, bổ sung công trình khai thác, sử dụng nước cần phải xác định được sự phù hợp của công trình với quy hoạch về tài nguyên nước, chức năng nguồn nước, khả năng nguồn nước, cũng như sự tác động đến hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước khác”, bà Tạ Thị Yên nhấn mạnh.

Ngoài ra, nữ đại biểu Tạ Thị Yên cũng đề nghị rà soát kỹ các quy định có liên quan đến các khoản thuế, phí, lệ phí hiện hành để tạo nguồn thu cũng như nguồn lực thực hiện hoạt động quản trị tài nguyên nước từ ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho việc huy động nguồn thu dịch vụ, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân.

Nữ đại biểu đồng tình với những chính sách trong dự thảo Luật về xã hội hoá ngành nước để nước có giá chứ không còn “rẻ như cho”, từ đó khuyến khích sử dụng nước có trách nhiệm, tiết kiệm, hiệu quả. “Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước là những hoạt động quan trọng để bảo đảm an ninh nguồn nước, phát triển bền vững, tích trữ, phục hồi tài nguyên nước”, bà Yên nhấn mạnh.

Làm rõ quy định về xác định “Dòng chảy tối thiểu”

Tổ thảo luận số 7, (gồm các Đoàn ĐBQH Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An), đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012, sau 10 năm điều chỉnh đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội. Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn. Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế cũng đã bộc lộ trong quá trình triển khai, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực, tháo gỡ khó khăn… Vì vậy, đại biểu tán thành việc Quốc hội cho ý kiến sửa đổi Luật này là rất cần thiết.

images1833891_chi_yen_chieu.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ. 

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đại biểu nhận thấy theo quy định tại khoản 2, Điều 1 thì “Nước dưới đất…” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại có rất nhiều điều luật lại quy định nội dung quản lý có liên quan đến “Nước dưới đất” từ Xả thải; Khai thác; Bảo vệ; Bổ sung; Thăm dò, Hành nghề; Cấp phép,… (ví dụ tại các điểm a, khoản 3, Điều 12; khoản 2, Điều 15, Điều 26, Điều 30, Điều 40, Điều 52,…). Như vậy, là không thống nhất và không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 1. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại, nếu không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này thì phải đưa ra. Song, đại biểu đề xuất ban soạn thảo cân nhắc “Nước dưới đất” nên được điều chỉnh bởi Luật này, bởi “nước dưới đất” cũng là tài nguyên nước đã được luật này định nghĩa tại khoản 1, Điều 3.

Về dòng chảy tối thiểu (Điều 25) và Ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 26): Đại biểu cho rằng quy định về “Dòng chảy tối thiểu” là một nội dung mới trong dự thảo luật và theo quy định tại khoản 2 Điều 25 thì “Dòng chảy tối thiểu” là căn cứ, cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; Quy trình vận hành hồ chứa; Cấp giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước…

Như vậy, việc xác định “Dòng chảy tối thiểu” phải triển khai làm trước,… Song, trong dự thảo luật không quy định thời gian nào phải làm, phải xong và thời gian công bố,…cũng như các phương pháp, các công cụ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến việc xác định dòng chảy ở mức bao nhiêu được gọi là thấp nhất tại các sông suối liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, hồ chứa, đập dâng,…. Nếu không có hoặc chưa xác định được vấn đề này thì các Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tỉnh và nhiều quy hoạch khác có phê duyệt được không. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc quy định tại Điều 25 này.

Tương tự, đối với quy định tại Điều 26 của dự thảo luật về “Ngưỡng khai thác nước dưới đất”, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc rà soát lại, vì nó cũng có một số nội dung tương tự như Điều 25. “Ngưỡng khai thác nước dưới đất” cũng là căn cứ, cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến quy hoạch…, nhưng dự thảo luật cũng chưa quy định cách thức, thời gian, phương pháp, quy chuẩn để xác định “Ngưỡng khai thác nước dưới đất”.

Sửa đổi Luật để thống nhất để khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH Hà Giang) thống nhất việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương; Sửa đổi Luật Tài nguyên nước góp phần thống nhất về cơ sở dữ liệu, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành chi phí đầu tư của nhà nước...

bd-trang-a-duong.jpg
Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH Hà Giang)

Đóng góp chi tiết về các nội dung, về giải thích từ ngữ (Điều 3) đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung các khái niệm: tái sử dụng nước đã qua sử dụng, tuần hoàn nước, cải thiện chất lượng nước để đảm bảo các nội dung trong Luật sửa đổi về việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và việc tái sử dụng nước đã qua sử dụng vì nước là một nguồn tài nguyên vô giá nhưng lại không vô tận đối với con người trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Ngoài ra, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung việc đầu tư, xây dựng công trình khai thác sử dụng nước cho các mục đích phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác. Nhằm đảm bảo cho việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước cụ thể hơn và chặt chẽ thông qua các quy hoạch tổng thể, toàn diện của các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương.

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt (Điều 45), đại biểu chỉ ra tại Điểm a, Khoản 1 dự thảo Luật quy định: “Đầu tư, hỗ trợ các dự án cấp nước sinh hoạt, nước sạch, ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng, xâm nhập mặn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Đại biểu đề nghị viết lại như sau: “Đầu tư, hỗ trợ các dự án cấp nước sinh hoạt, nước sạch ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng, xâm nhập mặn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn” cho ngắn gọn, dễ hiểu.

Về về giải quyết tranh chấp, bất đồng về nguồn nước liên quốc gia (Điều 75) Tại Khoản 2, đại biểu đề nghị viết lại cho ngắn gọn dễ hiểu, như sau: “Tranh chấp bất đồng về nguồn nước liên quốc gia xảy ra trong lưu vực sông có tổ chức lưu vực sông quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia được giải quyết trong khuôn khổ tổ chức lưu vực sông quốc tế đó”.

Khương Trung - Trường Giang