SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Thừa Thiên – Huế: Luật Đất đai (sửa đổi) góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản

Văn Dinh 05/06/2023 - 10:22

(TN&MT) - Luật Đất đai (sửa đổi) mở ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, giúp kiểm soát tình trạng đầu cơ đất đai, mang đến sự an toàn cho nhà đầu tư… Xoay quanh nội dung này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế

.

le-ba-phuc-1.jpg
Ông Lê Bá Phúc

PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được của Luật Đất đai 2013 và những khó khăn cần tháo gỡ?

Ông Lê Bá Phúc:

Thừa Thiên - Huế nằm ở khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, tiềm năng đất đai khá phong phú, đa dạng gồm núi rừng, đồng bằng, sông suối, ao hồ, đầm phá ven biển. Tổng diện tích toàn tỉnh là 494.711 ha; trong đó đất nông nghiệp 401.565 ha, đất phi nông nghiệp 87.083 ha, đất chưa sử dụng 6.063 ha. Hiện nay, địa phương còn quỹ đất khá lớn để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, đô thị, cơ sở hạ tầng; đồng thời, có nhiều điều kiện để phát triển các dự án văn hóa, du lịch...

Hiện nay, pháp luật đất đai đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, chính sách pháp luật đất đai vẫn chưa theo kịp… Do đó, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Đối với địa phương, việc sửa đổi Luật phù hợp thực tế sẽ giúp Thừa Thiên - Huế tạo ra động lực mới phát triển kinh tế xã hội; nhất là hiện nay Thừa Thiên - Huế đang phấn đấu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

z4037386331226_be240381b3fb5a5c21f7a8b8b4c3dcc2.jpg
Luật Đất đai (sửa đổi) mở ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, giúp kiểm soát tình trạng đầu cơ đất đai

PV: Dự báo, khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành, thị trường BĐS sẽ có sự điều chỉnh, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Lê Bá Phúc:

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới về hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất. Hoàn thiện các chế định về điều tiết của Nhà nước để bảo đảm thị trường BĐS phát triển lành mạnh. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan Nhà nước.

Dự thảo lần này đã thể chế hóa rất cụ thể yêu cầu của Nghị quyết 18 về đất đai, tránh tình trạng để đất bỏ hoang, chậm đưa đất hoặc không đưa đất vào sử dụng và đầu cơ đất. Thay vì sử dụng các công cụ hành chính như trước đây thì sẽ sử dụng các công cụ tài chính, sử dụng thuế, đặc biệt trong quản lý đất bỏ hoang, chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng và các trường hợp bao chiếm, tích tụ, tập trung đất đai để đầu cơ. Dự thảo luật đã thể chế hóa nội dung liên quan đến thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; kiểm soát năng lực tài chính của nhà đầu tư phát triển BĐS, tham gia đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất để tránh tình trạng dự án bỏ hoang, chậm tiến độ, đất đấu giá cao rồi bỏ cọc...

Việc “đóng băng” lĩnh vực BĐS như hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về cơ chế, chính sách đất đai. Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn, bất cập về chính sách đất đai hiện nay, tháo gỡ những “nút thắt” về quyền sử dụng đất, góp phần thúc đẩy, lành mạnh hóa và phát triển bền vững thị trường BĐS.

Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đã tổ chức 188 hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhận được 3.762 lượt ý kiến tham gia góp ý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; tất cả đều được báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường

Văn Dinh