Dự án Luật Căn cước: Tạo bước đột phá về chuyển đổi số
Chiều 02/6, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Căn cước. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Cần thiết ban hành Luật Căn cước
Trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Căn cước như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành.
Để việc xây dựng, ban hành Luật Căn cước được chặt chẽ, phát huy có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy tối đa hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, hồ sơ dự án Luật cơ bản đã đầy đủ các tài liệu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Để bảo đảm tính khả thi, đề nghị tiếp tục rà soát và đánh giá sâu hơn về tác động của các chính sách mới trong dự án Luật; rà soát, chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng dự thảo Nghị định, Thông tư, tạo điều kiện triển khai thực hiện đồng bộ, thông suốt khi Luật có hiệu lực thi hành.
Dự thảo Luật Căn cước cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo Luật liên quan trực tiếp đến bí mật đời tư cá nhân, liên quan đến quyền con người được quy định trong Hiến pháp 2013 và các quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp hơn.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc chỉnh lý tên gọi “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước” nhằm bảo đảm tính bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, phù hợp với yêu cầu quản lý và khai thác, sử dụng trong các giao dịch của người dân; do vậy, nhất trí tên gọi của dự thảo Luật là Luật Căn cước.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Đồng thời, nhất trí với việc bổ sung đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch và cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ mở ra hướng giải quyết đối với một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước.
Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10); thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí nội dung của Điều 10 và Điều 16 và cho rằng, việc mở rộng, bổ sung thông tin lưu trữ là cần thiết, đồng thời việc tăng cường chia sẻ, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu sẽ phát huy tối đa hiệu quả sử dụng dữ liệu, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và tiệm cận với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu kỹ từng loại thông tin quy định tại các điều này để bảo đảm hiệu quả, có tính khả thi.
Đối với nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí nội dung Điều này nhằm bảo đảm đầy đủ các thông tin cần thiết đối với một công dân; đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử.
Ngoài ra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí quy định của dự thảo Luật và đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cập nhật, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu, nhất là trách nhiệm của các cá nhân trực tiếp khai thác, sử dụng thông tin để thực hiện giao dịch, thủ tục hành chính với người dân…
Mở rộng, tích hợp thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia
Trước đó, trình bày tờ trình về dự án Luật Căn cước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật Căn cước công dân năm 2014 là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại… Tuy nhiên, qua hơn 07 năm triển khai thi hành, Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.
Vì vậy, cần thiết xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Dự án luật được xây dựng dựa trên quan điểm chỉ đạo quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; phục vụ chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số…
Bộ trưởng cho biết, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định theo hướng Luật này quy định về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Dự thảo Luật đã bổ sung một Điều về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này.
Về các nội dung liên quan đến nguyên tắc quản lý căn cước, Bộ trưởng cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; quyền và nghĩa vụ của người dân về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước cơ bản được giữ như quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 và chỉnh lý, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền của người dân liên quan đến căn cước điện tử… cho đầy đủ, chặt chẽ.
Cùng với đó, về thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, thông tin người dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư, như bổ sung thông tin khác được chia sẻ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành… Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án số 06.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.
Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Về thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho người dân trong thời hạn 07 ngày làm việc (đây là quy định chung, áp dụng trên toàn quốc, không phân biệt theo địa bàn cư trú của người dân như Luật Căn cước công dân năm 2014)…