Kinh tế

Dự báo giá điện sản xuất kinh doanh sẽ tăng

Khánh Ly 01/06/2023 18:33

(TN&MT) - Căn cứ kế hoạch phát triển nguồn điện năm 2025 trong Quy hoạch điện 8, ước tính giá điện sản xuất kinh doanh năm 2025 có thể sẽ tăng đáng kể so với hiện nay, trong khoảng 2.195 – 3.481 VNĐ/kWh.

Đây là kết quả nghiên cứu về dự báo giá điện sản xuất kinh doanh, do Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) công bố tại Tọa đàm “Mô hình Dự báo: Giá điện và Nhu cầu lưu trữ điện nhằm vận hành linh hoạt hệ thống”. Nghiên cứu dựa trên kết quả dự báo giá thị trường điện giao ngay (SMP) và giả thiết tỷ lệ nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong khoảng 40 - 65%.

Tăng sự cạnh tranh cho thị trường điện

Thông tin từ Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 12/2022, đã có 108 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh với tổng công suất đặt là 30.837 MW, chiếm khoảng 38,8% tổng công suất toàn hệ thống.

Theo TS Mai Thanh Tâm, Đại học Einhoven (Hà Lan) – đại diện nhóm nghiên cứu, về cơ bản thì dự báo nghĩa là có sai số, tuy nhiên kết quả đầu ra lại rất cần thiết để định hình xu hướng thị trường đầu tư phát triển nguồn mới, kết hợp với nhu cầu lưu trữ sẽ đưa ra tín hiệu cạnh tranh đối với việc cung cấp dịch vụ phụ trợ.

1785382.jpg
Nhà máy lưu trữ điện bằng pin lithium-ion tại Australia

Là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn điện, giá điện trong tương lai không dễ dự báo bởi có thể thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nghiên cứu của VIETSE về mô hình dự báo giá điện nhằm đưa ra tín hiệu khách quan về giá điện sản xuất kinh doanh trong tương lai, giúp nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư ra quyết định phù hợp trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, các kết quả nghiên cứu phản ánh sự gia tăng tỷ lệ nhà máy điện tham gia thị trường điện có thể giúp sức tăng cạnh tranh trong thị trường điện và giảm mức độ tăng giá điện.

Từ việc dự báo được giá điện sản xuất kinh doanh và nhu cầu dữ trữ nhà nước, các cơ quan liên quan cần có những chính sách thúc đẩy đầu tư hệ thống lưu trữ theo một lộ trình hợp lý, nhằm đảm bảo tối ưu hóa nguồn lực đầu tư vào ngành điện của cả nhà nước và tư nhân, qua đó có được giá điện phù hợp nhất với nền kinh tế của Việt Nam.

Cần tăng khả năng lưu trữ điện

Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8), tạo tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã được công bố tại COP 26 và thực thi thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) năm 2022.

Để triển khai hiệu quả Quy hoạch điện 8 và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là bài toán cấp thiết cần được giải quyết. Đặc biệt đối với hệ thống điện Việt Nam, hướng đến nâng cao tỷ trọng sản lượng điện năng lượng tái tạo bao gồm thuỷ điện lên đến từ 30 - 39% trong tổng lượng điện thương mại. Bối cảnh này đòi hỏi áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới và cũng sẽ hình thành các dịch vụ mới nhằm hỗ trợ công tác vận hành hệ thống điện.

Một nghiên cứu khác của VIETSE về hệ thống lưu trữ năng lượng chỉ ra rằng, trong bối cảnh có nhiều nguồn năng lượng tái tạo biến đổi tham gia vào hệ thống điện, các nhà vận hành hệ thống cần có các giải pháp đảm bảo sự linh hoạt. Một số dịch vụ phụ trợ như kiểm soát tần số, điều khiển điện áp (sơ cấp và thứ cấp) và quản lý hệ thống điện (tắc nghẽn, gián đoạn và phát điện quá mức), phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng.

2504_thucdaynangluongsach.jpg
Việc phát triển năng lượng tái tạo đặt ra yêu cầu về hệ thống điện linh hoạt và tăng khả năng lưu trữ

Theo ông Dimitri Pescia, Trưởng nhóm Quốc tế, phụ trách khu vực Đông Nam Á của tổ chức Agora Energiewende, Đức: Sự phát triển của năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang định hình lại hệ thống điện, do đó điều quan trọng là tăng tính linh hoạt của hệ thống. Để làm được điều này, Việt Nam cần huy động tất cả các nguồn lực linh hoạt của mình như: tăng giảm các nhà máy điện hiện có, định hình nhu cầu điện, lưới điện và lưu trữ năng lượng. Điểm then chốt là Việt Nam cần tìm ra sự cân bằng mới thông qua các giải pháp như thiết lập các cơ chế thị trường mới cho các hoạt động ngắn hạn của hệ thống, trong khi vẫn duy trì vai trò chủ đạo của Nhà nước trong quy hoạch và đầu tư.

Các kết quả nghiên cứu mô hình hoá cho thấy , Việt Nam sẽ cần tăng cao công suất các nguồn thuỷ điện tích năng và lưu trữ điện để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững.

Để đạt được mục tiêu theo JETP cần có ít nhất 6 GW thuỷ điện tích năng và các hệ thống lưu trữ điện khác nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Bên cạnh việc cân bằng năng lượng, các bộ lưu trữ điện có thể đóng góp vào các dịch vụ phụ trợ, đặc biệt là giảm nghẽn lưới truyền tải. Đối với khu vực thường xuyên thiếu điện như miền Bắc, VIETSE đề xuất đặt 2.000 MW các bộ lưu trữ điện, đồng thời, tiến hành lắp đặt các bộ lưu trữ điện còn lại tại các khu vực tập trung cao các nguồn năng lượng tái tạo, cụ thể là đặt 1.000 MW tại khu vực Bắc Trung Bộ và 1.500 MW tại khu vực Tây Nguyên.

TS. Nguyễn Hồng Phương, Đại học Kỹ thuật Eindhoven, Hà Lan nhận định, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình phát triển các hệ thống lưu trữ năng lượng với cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích sự tham gia các dịch vụ phụ trợ nhằm gia tăng khả năng vận hành linh hoạt hệ thống, đảm bảo an ninh năng lượng. Theo đó, sự gia tăng công suất các nguồn thủy điện tích năng và lưu trữ điện là cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng 0 và thực hiện chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

7 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thành thủ tục phát điện thương mại

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết ngày 31/5/2023, đã có 9/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Trong đó, 7 dự án/phần dự án với tổng công suất 430,22MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Ngoài ra, có 40 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.

Đến nay, có 59/85 dự án với tổng công suất 3.389,811MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó, 50 dự án (tổng công suất 2.751,611MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 46/50 dự án.

19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 22 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Khánh Ly