Trong nước

Cần chú trọng hơn nữa về chuyển dịch năng lượng và BVMT

Khương Trung (lược ghi) 01/06/2023 15:50

(TN&MT) - Thảo luận về ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp để chuyển dịch năng lượng cũng như bảo vệ môi trường.

Chuyển dịch năng lượng để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Phát biểu tại hội trường Quốc hội, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội - cho rằng việc chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu trên thế giới nhằm phát giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và đang được triển khai hiệu quả ở nhiều nước.

ta-dinh-thi.jpg
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng cần có các chính sách chuyển dịch năng lượng để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Ông Tạ Đình Thi dẫn chứng rằng, cùng với cộng đồng quốc tế, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố chính trị mạnh mẽ về việc phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, trong đó có nội dung về chuyển dịch năng lượng.

Tuy nhiên, theo đại biểu Tạ Đình Thi, có 4 vấn đề thách thức lớn đối với triển khai bao gồm vấn đề về tài chính, công nghệ, quản trị và nhân lực, trong đó ông Thi nhấn mạnh rằng thách thức lớn nhất vẫn là nguồn vốn. “Ước tính Việt Nam cần khoảng 86 tỷ USD đến năm 2030 và 370 tỷ USD cho lộ trình chuyển dịch đến năm 2050. Chỉ riêng đối với việc triển khai Quy hoạch điện 8 trong giai đoạn 2021-2030 tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải khoảng 134,7 tỷ USD.” – ông Tạ Đình Thi thông tin.

Như vậy, nguồn lực đầu tư rất lớn so với khả năng cân đối của nền kinh tế với mức dự báo phát triển kinh tế thế giới cũng như trong nước trong thời gian tới. Do đó, đại biểu Thi kiến nghị với Chính phủ cần sớm nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các dự án năng lượng, chú trọng các cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh, các tổ chức tài chính quốc tế, cơ chế tài chính quốc tế trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Khẩn trương giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường

010620230904-z4394383698748_74c7ae38b581412d510b618ca7947b07.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH Bình Dương)

Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng, báo cáo đánh giá bổ sung phát triển kinh tế - xã hội 2022 và đầu năm 2023 số 232 của Chính phủ đã nêu nhiều kết quả tích cực, tạo niềm phấn khởi cho cử tri.

Tuy nhiên, ông Huân cho rằng, hai chỉ tiêu về môi trường là chỉ tiêu số 14, thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và chỉ tiêu số 15, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đều được báo cáo là đạt và vượt kế hoạch đã gây băn khoăn không ít cho cử tri và đại biểu Quốc hội.

Theo ông Huân, trên thực tế, ô nhiễm do rác thải sinh hoạt chưa được khắc phục trên toàn quốc, cả năm 2022 không có một nhà máy xử lý rác thải nào được đưa vào vận hành đáp ứng tiêu chuẩn môi trường nêu trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, các lò đốt rác thủ công vẫn hiện hữu, đang tiếp tục xả khí độc vào môi trường.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường thì có tới 71% rác thải được chôn lấp, trong số này chỉ có 15 đến 20% là chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại đang gây ô nhiễm không khí, hủy hoại môi trường đất và ô nhiễm nguồn nước.

Do đó, đại biểu Huân đề nghị Chính phủ xem xét các chỉ tiêu về môi trường, đánh giá đúng thực chất để biết chính xác chúng ta đang ở đâu trên lộ trình phát triển. Những số liệu này cũng sẽ giúp ích cho việc đề ra các chỉ tiêu cho năm 2024 vào kỳ họp thứ 6 sát với thực tế, đúng với khả năng thực hiện, tránh tình trạng do không đủ thời gian đánh giá, phân tích các chỉ tiêu môi trường. 

010620230801-z4394136718193_6a06e580c754ef30d18a20de7ced9a91(1).jpg
Toàn cảnh phiên họp

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường lưu vực sông, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiến nghị của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, cử tri nhân dân 4 huyện của thành phố Hà Nội bao gồm Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức về việc sớm điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều đối với hạ lưu sông Hồng, sông Đáy cho phù hợp với thực tế và quan tâm đầu tư giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy.

Khương Trung (lược ghi)