Chúng ta cùng hành động
(TN&MT) - Diễn ra vào ngày 5/6 hằng năm, ngày Môi trường thế giới năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trọng tâm là tập trung vào thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”. Lựa chọn của UNEP không nằm ngoài dự đoán của các quốc gia, đồng nghĩa với nhận định cùng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa đang là mối nguy hàng đầu đe dọa nặng nề tương lai trái đất.
Trong bối cảnh đó, rất nhiều các nghiên cứu đã và đang hướng sự tập trung đến kiểm soát, giải quyết các vấn đề liên quan đến nhựa và rác thải nhựa. Các thống kê dù mang tính tương đối nhưng đều cho thấy, hằng năm, thế giới sản xuất ra khoảng 400 triệu tấn nhựa. Một nửa trong số đó là nhựa chỉ sử dụng một lần, và chưa tới 10% được tái chế. Ước tính lượng nhựa thải ra hồ, sông và biển mỗi năm lên tới khoảng 19 - 23 triệu tấn. Nhựa không chỉ xâm chiếm diện tích Trái đất mà bằng các vi hạt nhựa sinh ra trong quá trình tác động, phân rã và khói thải ra do hoạt động đốt, sự xâm lấn của nhựa đã vượt quá tầm quan sát và kiểm soát của con người.
Trong rất nhiều nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm thúc đẩy hạn chế sự gia tăng của rác thải nhựa thì tái chế đang là giải pháp được các chuyên gia về môi trường trên thế giới và Việt Nam đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, cùng với mối quan tâm đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, dù đóng vai trò cực kỳ quan trọng nhưng tái chế hiện vẫn chỉ nằm ở giải pháp phần ngọn mà thôi.
Bởi thực tế là sau rất nhiều kỳ vọng, cho đến nay, lượng rác thải nhựa được tái chế chưa đạt đến con số 10% trong tổng số thải ra môi trường. Rõ ràng, trong tương quan số lượng người tiêu dùng - thải bỏ lớn hơn gấp nhiều lần so với các nhà sản xuất, trong khi chế tài ràng buộc trách nhiệm chưa đủ sức vươn tới tất cả các đối tượng tiêu dùng - thải bỏ thì việc đặt quá nhiều niềm tin vào hành vi phân loại, hạn chế thải bỏ là một hy vọng chưa đủ sức thuyết phục, ít nhất ở thời điểm này.
Mới đây nhất, thông qua vai trò chủ trì là Bộ TN&MT và với sự hợp tác giúp đỡ của Na Uy, bằng việc kích hoạt mô hình hoàn tiền khi người dùng trả lại vỏ hộp nhựa, Việt Nam đã chính thức tham gia Hệ thống đặt cọc - hoàn trả (DRS), là hệ thống trong đó người tiêu dùng trả một khoản tiền đặt cọc khi mua sản phẩm chai nhựa hoặc lon đồ uống. Phần tiền đặt cọc sẽ được hoàn lại khi họ mang gửi lại vỏ hộp tại điểm thu gom được chỉ định. Mục tiêu của DRS nhằm khuyến khích người tiêu dùng hoàn trả các vỏ hộp đựng đã qua sử dụng để tái chế và tái sử dụng, giảm bớt sức ép cho những bãi chôn lấp rác, bảo vệ dòng sông và đại dương khỏi rác thải nhựa. Nếu phát huy hiệu quả, DRS hiệu suất cao có thể thúc đẩy đáng kể sự quay vòng của các loại hộp đựng nước giải khát như chai nhựa, lon nhôm với tỷ lệ thu hồi cao; vừa là phương thức tiếp cận chính giúp Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được thực hiện bởi các doanh nghiệp - người sản xuất và sử dụng những vỏ lon này.
Được coi là hình mẫu về thu hồi và tái chế vỏ hộp, Hệ thống đặt cọc - hoàn trả của Na Uy là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả trên thế giới, gắn liền cùng cơ chế thực hiện EPR. Trong một phát biểu tại lễ ra mắt Nhóm kỹ thuật mới nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xúc tác đầu tư đối với những giải pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thuộc Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam, bà Mette Moglestue - Phó Đại sứ Na Uy tại Hà Nội cho biết, Hệ thống đặt cọc - hoàn trả đã được minh chứng là hệ thống thực hiện tốt nhất khi có thể thu gom và tái chế với tỷ lệ cao nhất các loại vỏ hộp đồ uống.
Hoạt động trên (xét về phương diện lợi ích của người tiêu dùng - thải bỏ) cơ bản tương tự hoạt động đổi rác lấy quà nhằm khuyến khích phân loại rác tại nguồn phục vụ cho tái chế, chỉ khác ở phương thức trao đổi. Sự giống và khác nhau này cũng sẽ đặt ra cho các nhà quản lý môi trường tại Việt Nam những câu hỏi về tỷ lệ thành công trong điều kiện đặc điểm địa lý, hình thái phân bổ dân cư, tâm lý và thói quen của người dân Việt Nam có thể khác với các quốc gia. Đồng thời, sẽ phải đặt ra giải pháp riêng đối với các thể loại rác thải nhựa không nằm trong hệ thống đặt cọc - hoàn trả như túi ni lông, các loại vỏ hộp (thuốc y tế, kem đánh răng, mỹ phẩm…). Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào nỗ lực chung cũng như tất cả các giải pháp hỗ trợ, đặc biệt, các giải pháp này sẽ khả thi hơn khi bắt đầu từ 1/1/2025, phân loại rác tại nguồn sẽ được kiểm soát bằng chế tài xử phạt theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020.
Có rất nhiều con đường, điều quan trọng là các con đường đều hướng tới một mục tiêu chung. Cũng như để từng bước đạt được mục tiêu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đặt ra trong Ngày Môi trường thế giới năm 2023, tất cả các quốc gia phải cùng hành động. Bởi rác thải nhựa là nguy cơ xuyên biên giới nên chỉ có thể đẩy lùi nguy cơ khi tất cả chúng ta cùng hành động.