Du lịch Thích ứng BĐKH ở Bến Tre: Phát triển mô hình sinh thái - xanh - bền vững
(TN&MT) - Là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra, tuy nhiên, với địa hình và vị trí tự nhiên đa dạng phong phú, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tận dụng thế mạnh địa phương, tập trung đầu tư, phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái theo hướng xanh, bền vững, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Tranh thủ, huy động các nguồn lực
Bến Tre là 1 trong 13 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với Biển Đông và được hình thành bởi 3 dải cù lao lớn: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hoá. Tỉnh Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi với 65km đường bờ biển, đồng thời, ngoài hệ thống sông, rạch chằng chịt, tỉnh Bến Tre còn có ruộng, vườn, cùng với những dải rừng ngập mặn ở ven biển và các cửa sông đã tạo ra “bức tường xanh” bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven biển.
Theo lãnh đạo ngành Du lịch tỉnh Bến Tre, với lợi thế và tiềm năng sẵn có, du lịch Bến Tre đã có bước phát triển khởi sắc, nhiều khu, điểm du lịch mới được hình thành, nhiều cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống được đưa vào hoạt động, nhiều điểm đến, điểm dừng chân với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề, di tích lịch sử… đã và đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Tuy vậy, ngành Du lịch Bến Tre hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước tình hình BĐKH. Thực tiễn cho thấy, những năm gần đây, tác động của BĐKH đã gây ra những hiện tượng thời tiết bất thường, các loại hình thiên tai mang tính cực đoan xảy ra ngày càng nhiều hơn, gây thiệt hại về người, tài sản và tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của địa phương. Đặc biệt, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn cũng diễn ra hết sức phức tạp, khó lường, gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ... ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống dân sinh.
Trước tình hình trên, tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương phát triển du lịch thích ứng với BĐKH để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Đồng thời, tỉnh Bến Tre còn tranh thủ, huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh kết hợp với phát triển du lịch. Trong đó, tỉnh xem việc phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn gắn với chiến lược xây dựng nông thôn mới, tạo động lực cho vùng nông thôn có thêm sức sống, góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Gắn với phát triển du lịch sinh thái
Với những ưu đãi của thiên nhiên cùng với nhiều di sản văn hóa đặc sắc, người dân tại các vùng nông thôn của Bến Tre đã mạnh dạn phát triển mô hình du lịch sinh thái thích ứng với BĐKH, từng bước đem lại bộ mặt mới cho làng quê theo hướng xanh - sạch - đẹp. Du lịch nông thôn còn đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như tạo ra cơ hội việc làm mới, đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh các sản phẩm địa phương, giúp nâng cao thu nhập của người dân.
Cùng với đó, Bến Tre đã và đang phát huy những giải pháp, mô hình thuận thiên để tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương. Trong đó, tỉnh quan tâm đến những thế mạnh, đặc trưng về sản phẩm du lịch khi liên kết với các tỉnh, thành để thu hút khách du lịch, đặc biệt là hướng đến xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với sản phẩm du lịch.
Điển hình như nông trại “Người Giữ Rừng” của chị Trịnh Thị Ngọc Hiện (tại huyện Bình Đại) với việc khai thác, phát triển du lịch dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn. Chị Hiện cho biết: “Được sự quan tâm, hướng dẫn của địa phương, gia đình tôi đã cho ra đời mô hình du lịch sinh thái để vừa nâng cao giá trị sinh kế dưới tán rừng, vừa phát triển bền vững rừng ngập mặn ven biển. Với ý tưởng kinh doanh này, đến nay, có hàng trăm hộ dân địa phương được đảm bảo đời sống và nâng cao thu nhập nhờ hợp tác để cùng nhau khai thác, cùng nhau bảo vệ rừng”.
Ông Huỳnh Văn Mười (chủ homestay Mười Nở) cũng được biết đến là một trong những nông dân đầu tiên ở xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre chuyển từ sản xuất nông nghiệp là trồng lát dệt chiếu sang mô hình du lịch. “Nhờ bán trái bưởi, dừa cho khách du lịch nên giá trị nông sản của gia đình tôi tiêu thụ tại chỗ đã cao gấp 3 lần so với bán cho thương lái. Hiện tại, toàn bộ diện tích 8.000m2 đất của gia đình tôi đã được chuyển sang làm du lịch, xây homestay cho khách nghỉ ngơi cũng thu lợi nhuận gấp 10 lần so với làm nông nghiệp như trước đây” - ông Mười chia sẻ.
Theo lãnh đạo ngành Du lịch tỉnh Bến Tre, trước tác động tiêu cực của BĐKH, tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân ở những vùng nông thôn có điều kiện tham gia làm du lịch. Trong đó, ngoài việc áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ chung của Trung ương, tỉnh Bến Tre còn định hướng phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ phát triển du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn, du dịch sinh thái theo hướng du lịch xanh, bền vững, nhằm góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.