Cuộc sống mới hồi sinh ở bản Tủ
(TN&MT) - Sau 3 năm bản Tủ xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) cả bản đã khoác lên mình bộ áo mới của những ngôi nhà khang trang, đường bê tông trải dài dẫn vào bản cùng với màu xanh của đồi chè, ruộng lúa, nương ngô… tất cả đều vẽ lên bức tranh ấm no, hạnh phúc của Bản Tủ sau cơn lũ lịch sử vào tháng 7/2018.
Người dân ổn định cuộc sống
Cơn bão số 3 vào tháng 7 năm 2018 đã gây ra những hậu quả nặng nề về người và tài sản trên địa bàn huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải và Văn Yên của tỉnh Yên Bái. Trong đó, bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn là một trong những bản thiệt hại nặng nề nhất khi cả bản gần như bị “xóa sổ” chỉ sau vài giờ đồng hồ khi cơn lũ đi qua.
Giờ đây bản Tủ đã khoác lên mình một diện mạo mới, người dân thi đua lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống đoàn kết, hạnh phúc. Đó là nhờ sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và sự quyết tâm xây dựng cuộc sống mới của người dân bản Tủ.
Giúp người dân ổn định cuộc sống, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Chấn đã tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất; nhiều chính sách ưu đãi dành cho vùng đồng bào dân tộc cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng triển khai thực hiện.
Ông Hà Văn Huyên - Bí thư Chi bộ bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn cho biết: Năm 2018 do cơn bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề trong bản, cả bản có 7 nhà bị trôi, sập hoàn toàn và có hơn 40 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp về nhà ở, hơn 80 hộ dân bị ảnh hưởng hoa màu. Thời gian đó, việc cần nhất là cả bản phải có quỹ đất để ổn định cuộc sống cho bà con. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền bản Tủ có khu tái định cư, đến giờ cuộc sống của người dân đã ổn định.
Vượt khó, phát triển kinh tế
Cách đây 3 năm, gia đình ông Hà Văn Quê là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề khi dòng lũ đi qua, lũ đi qua đã cuốn trôi toàn bộ chuồng trại chăn nuôi của gia đình. Mất tư liệu sản xuất, gia đình ông Quê đã được xã hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng, ông Quê đã đầu tư lại chuồng trại và mua con giống về nuôi. Cần cù, chịu khó lại ham tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đàn gia súc luôn phát triển khỏe mạnh.
Đến nay, gia đình ông Quê thường xuyên duy trì mô hình nuôi trâu bò từ 10 con trở lên kết hợp với nuôi lợn nái để bán giống. Từ đó gia đình ông Quê có thu nhập dần trả hết nợ và có thêm tiền để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, trở thành hộ có thu nhập khá so với người dân trong bản.
Cùng với đó, Bản Tủ có nhiều mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình trồng bí lấy hạt, mô hình trồng chè, mô hình chăn nuôi gia súc với nhiều hộ có thu nhập từ 70 đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhờ đó, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, không còn tình trạng rác, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi; nước thải, chất thải trong sinh hoạt và chăn nuôi được thu gom và xử lý theo đúng quy định; 100% người dân trong thôn được sử dụng nước sạch; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Ông Lò Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn cho biết: Trong thời gian tới UBND xã tiếp tục quan tâm đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất cho thôn, bản, nhất là quan tâm nhiều hơn tới các mô hình phát triển kinh tế, tái đàn gia súc. Đồng thời, xã cũng vận động người dân san tạo lại những cánh đồng bị lũ cuốn trôi để tận dụng canh tác.