Quảng Ninh: Chủ động phòng, chống để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
(TN&MT) - Với đặc điểm địa lý, Quảng Ninh là địa phương chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại hình thiên tai. Do đó, công tác phòng chống thiên tai, cũng như việc khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra luôn được tỉnh quan tâm thực hiện.
Nhận diện vùng nguy cơ sạt lở
Với đặc thù của tỉnh Quảng Ninh, khi thiên tai xảy ra, những khu vực hứng chịu hậu quả đầu tiên và nặng nề nhất là vùng dân cư ở chân đồi núi dễ bị sạt lở, hoặc các vùng trũng dễ bị ngập úng, hay tại các vùng nuôi thủy sản.
Từng chịu hậu quả nặng nề bởi trận mưa lũ cuối tháng 7/2015, với 17 người thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà bị ngập lụt, tổng thiệt hại của tỉnh Quảng Ninh lên tới hơn 1 nghìn tỷ đồng. Mùa mưa bão năm 2020, toàn tỉnh có 124 điểm sạt lở, TP. Hạ Long có nhiều vị trí sạt lở nhất và có 1 người dân đã bị thiệt mạng, 2 người bị thương.
Phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả là một trong những địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở vào mùa mưa bão, do địa hình nằm giữa thung lũng, bao xung quanh là các núi đất đá thải của ngành Than, sông suối bị thu hẹp, cản trở dòng chảy.
Chủ tịch UBND phường Mông Dương, Trần Quang Lợi cho biết, do tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên công tác PCTT&TKCN luôn được địa phương đặt lên hàng đầu. Địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ sớm, lập phương án ứng phó ở mức độ cao nhất. Cùng với đó, phường Mông Dương dành mọi nguồn lực tiến hành nâng cấp các công trình như: Cống thoát nước, đường dân cư liên khu 8, 9 và hệ thống thoát nước dọc tỉnh lộ 329 đoạn 3, 5, 7 khu 8; kè Vũ Môn khu vực bãi thải Đông Cao Sơn; cầu 257.
Là một trong điểm bị ngập lụt nặng nề trong trận mưa lịch sử cuối tháng 7/2015, thôn Khe Sím, xã Dương Huy, TP. Cẩm Phả bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ngay sau đó, TP. Cẩm Phả đã vận động di dời gần 100 hộ dân tại đây đến nơi định cư mới, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân.
Chủ tịch UBND xã Dương Huy, Bùi Hải Sơn cho biết, hiện nay xã và TP. Cẩm Phả đang tích cực tuyên truyền, vận động hơn 100 hộ còn lại tại thôn Khe Sím di dời đến nơi tái định cư mới mà Thành phố bố trí nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản cho bà con.
Chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai
Với diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, Quảng Ninh đã tập trung vào các giải pháp cụ thể là kiểm soát, xử lý rủi ro thiên tai. Đặc biệt, công tác dự báo luôn chủ động và sát thực tế diễn biến thiên tai xảy ra, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác chỉ huy, điều hành ứng phó. Quảng Ninh đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, trong đó việc kiện toàn và phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành được tiến hành ngay từ đầu năm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vũ Duy Văn cho biết, ngay từ đầu năm, các phương án, kế hoạch PCTT&TKCN được rà soát, bổ sung, để đảm bảo sát với thực tiễn của từng cơ sở, bám sát từng loại hình thiên tai đối với từng địa bàn, để ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
Cùng với đó, công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và công tác hiệp đồng với lực lượng quân sự cũng được chuẩn bị chu đáo. Các công trình hồ đập, đê điều, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá và cơ sở hạ tầng được quan tâm hoàn thiện.
Có thể thấy, Quảng Ninh đã và đang triển khai hiệu quả công tác phòng phống lụt bão, ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết hiện nay, rất cần sự chủ động cao của các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân. Qua đó, nhằm giảm tối đa những thiệt hại có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.