Xã hội

Chứng chỉ rừng bền vững ở Quảng Trị: Nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế rừng

Thiên Trường 02/01/2015 17:55

(TN&MT) - Trồng rừng nguyên liệu gắn với việc cấp chúng chỉ rừng nâng cao chất lượng là một hướng đi đúng của lâm nghiệp Quảng Trị.

Theo thống kê, hết năm 2014, Quảng Trị có khoảng 130.000 ha rừng tự nhiên và hơn 106.000 ha rừng trồng các loại, đưa độ che phủ rừng đạt 48,3%, trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất nước.

Kinh tế lâm nghiệp phát triển không chỉ tạo ra nhiều lợi ích cho người trồng rừng như tạo việc làm, tăng thu nhập; bảo vệ, làm cân bằng môi trường sinh thái mà còn tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn.

anh-rung-1-2-(1).jpg
Một hộ dân trong khu rừng trồng theo chứng chỉ FSC ở Quảng Trị

Đến nay, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác khoảng 500.000 m3 mỗi năm, cung cấp nguyên liệu ổn định cho nhà máy MDF và các cơ sở chế biến gỗ ghép thanh, gỗ - dăm, sản xuất hàng mộc dân dụng trên địa bàn, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động trong các cơ sở chế biến lâm sản. Để nâng cao chất lượng và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm rừng trồng, Chi cục Lâm nghiệp đã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc quản lý rừng bền
vững.

Những hộ tham gia nhóm trồng rừng theo chứng chỉ này phải thực hiện nghiêm ngặt 10 nguyên tắc, trong đó có 54 tiêu chí do các tổ chức Quốc tế về cấp chứng chỉ rừng FSC qui định. 

Đến nay, có 323 hộ ở huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Triệu Phong tham gia với tổng diện tích rừng trồng được cấp FSC gần 900 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng vào năm 2011 với 9.486 ha và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Triệu Hải 5.200 ha.

Xã Trung Sơn, huyện Gio Linh và xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh bắt đầu tham gia thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng rừng trồng từ năm 2007, đến năm 2010 có 118 hộ của 2 xã với 316 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC (chứng chỉ FSC). Thực hiện hiệu quả nhất là nhóm hộ trồng rừng thôn Kinh Môn, xã sau Trung Sơn có 11 hộ tham gia, nhiều chu kỳ khai thác đến năm 2014, nhóm hộ này còn diện tích được cấp chứng chỉ FSC là 43 ha.

1578341129000_bda5f2dfa8b979fa029ac038c2299aa3.jpg
Ðo kích thước phát triển cây gỗ của rừng được cấp chứng chỉ FSC tại huyện Hải Lăng.

Tại thôn Kinh Môn, hiện nay, gỗ rừng trồng theo chứng chỉ FSC đến kỳ khai thác có trữ lượng 1 ha khoảng 90- 100 m3, đường kính gỗ 17 - 18 cm bán được 200 - 210 triệu đồng. Chu kỳ trồng lâu hơn thì độ che phủ rừng được nhiều hơn. Thấy được lợi ích đó, đến nay, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện xin vào nhóm trồng rừng. Việc quản lý rừng bền vững theo mô hình này đã tạo được nguồn nguyên liệu gỗ có kiểm soát, có chất lượng phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến.

Đáng kể hơn là đảm bảo được đầu ra ổn định cho sản phẩm rừng trồng của người dân với giá cao, từ đó là giải quyết việc làm ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng. 

Thiên Trường