Xã hội

Vùng cao Nghệ An: Mở rộng đất canh tác để phát triển bền vững

Đình Tiệp 27/08/2021 17:49

(TN&MT) - Những năm gần đây, phong trào khai hoang, phục hóa ruộng lúa nước ở các huyện vùng cao xứ Nghệ như Kỳ Sơn, Quỳ Châu… không ngừng mở rộng đã cung cấp một lượng lương thực không nhỏ cho đồng bào giảm việc phát rừng làm rẫy và góp phần quan trọng trong việc bảo vệ bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Khai hoang tăng diện tích

Kỳ Sơn là huyện có diện tích tự nhiên lớn thứ hai của tỉnh Nghệ An sau huyện Tương Dương với 2.094,84 km2, nhưng diện tích đất bằng chỉ có 1%, còn lại là đồi núi dốc hiểm trở, việc sản xuất lương thực để đáp ứng nhu cầu của người dân trước đây chủ yếu dựa vào sản xuất nương rẫy.

anh-2-20-.jpg
Mở rộng lòng khe để làm ruộng

Trước năm 2000, diện tích trồng lúa nước của huyện chỉ có 190 ha. Từ 2002 đến 2010, toàn huyện đã khai hoang được gần 700 ha lúa nước. Nâng tổng diện tích lúa nước toàn huyện lên hơn 1.000 ha hiện nay.

Tại huyện Quỳ Châu, từ lâu phong trào khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước đã được bà con đồng bào người dân tộc Thái rất quan tâm. Theo số liệu báo cáo từ Phòng NN&PTNT huyện Quỳ Châu, tổng diện tích ruộng lúa nước khai hoang được thêm trong năm 2018 là trên 120 ha; năm 2019 là gần 65 ha; năm 2020 thêm được gần 10ha.

Châu Phong là xã “điển hình” trong phong trào khai hoang lúa nước. Vì thế, diện tích lúa nước được khai hoang trong những năm qua luôn đứng đầu toàn huyện. Năm 2018 tổng diện tích lúa nước được khai hoang ở xã này đạt gần 50ha, năm 2019 là khoảng 3ha, năm 2020 cũng khoảng 3ha.

Ngoài Châu Phong thì ở huyện Quỳ Châu, nhiều xã cũng rất tích cực khai hoang mở rộng diện tích lúa nước như xã Châu Bính khai hoang được hơn 60ha, Diên Lãm gần 50ha, Châu Nga gần 25ha…

Phục hóa sau mỗi mùa mưa lụt

Do đặc thù ở vùng cao thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra triền miên nên những thửa ruộng khai hoang được không ổn định. Cứ sau mỗi trận mưa lụt thì không ít diện tích ruộng lúa bị cuốn trôi, sạt lở, thậm chí bị san phẳng.

anh-3-8-.jpg
Khôi phục lại những thửa ruộng bị sạt lở, lũ cuốn trôi

Điển hình mùa mưa lũ năm 2016, cơn lũ quét từ xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa quét qua địa bàn xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu) đã khiến cho 10 bản ở Châu Hội tan hoang, không chỉ nhà cửa, cơ sở hạ tầng mà 70 ha lúa mùa của người dân cũng bị nước lũ san phẳng và vùi lấp.

Theo ông Nguyễn Sỹ Luận - Chủ tịch UBND xã Châu Hội, sau nhiều nỗ lực, đến năm 2021 xã đã khôi phục, phục hóa lại được 48/70 ha đã mất để sản xuất.

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu, do ảnh hưởng của mưa lụt nên diện tích lúa nước hàng năm của huyện bị xói lở là không nhỏ. Vì thế, huyện đã khuyến khích bà con các xã khôi phục, mở lại những diện tích ruộng lúa bị thiệt hại, vì thế diện tích ruộng lúa được phục hóa hàng năm không ngừng gia tăng. Trong năm 2018, diện tích lúa nước được phục hóa của toàn huyện là gần 50 ha; năm 2019 tăng thêm 10 ha; năm 2020 thêm 12 ha.

Cụ thể như tại xã Châu Hội, diện tích đất ruộng lúa được phục hóa năm 2018 là hơn 16 ha; năm 2019 là hơn 3h; năm 2020 là gần 3,5ha. Tại xã Châu Hoàn, diện tích phục hóa năm 2018 là gần 10ha. Xã Diên Lãm phục hóa được gần 9ha vào năm 2018, năm 2020 là gần 2ha.

Theo ông Lô Thanh Sơn - Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Châu, tại các huyện miền núi nói chung và huyện Quỳ Châu nói riêng tình trạng lũ quét, sạt lở đất khiến cho không ít diện tích đất lúa bị mất. Tuy nhiên, để thích ứng với thiên tai thì chính quyền và người dân đã không ngừng cải tạo, khôi phục lại ruộng đất để canh tác. Trong 3 năm trở lại đây, huyện đã hỗ trợ các xã khai hoang, phục hóa diện tích đất lúa để sản xuất với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng nên người dân rất phấn khởi và hăng hái sản xuất, ổn định cuộc sống, sản xuất thích ứng dần được với biến đổi khí hậu.

Đình Tiệp