Hạn chế thiệt hại do thiên tai: Cần sẵn sàng ngay từ đầu mùa mưa 2021
(TN&MT) - Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong 6 tháng đầu năm 2021, nước ta đã xảy ra 14 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 2 trận lũ ống, lũ quét và 57 vụ sạt lở bờ sông. Mưa lũ đã gây thiệt hại về người và tài sản cho nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Bên cạnh mưa lớn, lũ ống, lũ quét, trong 6 tháng đầu năm, nước ta còn xảy ra 58 trận động đất nhẹ; 136 trận mưa đá, dông lốc; 5 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc gây rét đậm, rét hại. Thiên tai đã làm 25 người chết, 29 người bị thương; 76 nhà sập đổ hoàn toàn, 4.651 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 4.507 gia súc, gia cầm bị chết; 67.818 ha lúa, rau màu và 471 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 4,8 km đê, kè, kênh mương hư hỏng, sạt lở... Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 132 tỷ đồng. Một số tỉnh được cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và Quảng Ninh.
Mưa lớn là nguyên nhân kéo theo các hiện tượng thiên tai như lũ ống, lũ quét, ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, nước ta đã đón tổng cộng 2 cơn bão, trong đó bão số 1 hình thành và tan trên Biển Đông, bão số 2 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Bão số 2 đã gây mưa lớn tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ với lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt. Thống kê sau bão cho thấy, bão làm 1 người chết (Yên Bái); 143 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 31.079ha lúa và 5071,9ha hoa màu bị ngập; sụt lún mỏ số 4, số 5 kè Hải Thịnh 2 thuộc tuyến đê biển huyện Hải Hậu, Nam Định; 40 hộ dân tại xóm Rổng Vòm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình phải di dời tránh trú…
Gần đây nhất, mưa lớn do áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) diễn ra vào đầu tháng 7/2021 đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Theo đó, từ chiều 7/7 đến hết ngày 8/7, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt (tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An). Nhiều tỉnh đã được cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Chưa có thống kê cụ thể thiệt hại do ATNĐ này gây ra. Tuy nhiên, để ứng phó với ATNĐ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng như Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã kịp thời đưa ra các chỉ đạo quyết liệt nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Cũng trong ngày 6/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra Công điện khẩn yêu cầu các đơn vị chức năng của tỉnh chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia), khoảng thời gian từ tháng 7-11 hàng năm là giai đoạn tập trung nhiều loại hình thiên tai, sẽ có nhiều cơn bão/ATNĐ hoạt động, kéo theo là những cơn mưa lớn, gió mạnh, tình trạng lũ quét, sạt lở đất và lũ lụt. Nước ta cũng sẽ phải đối mặt với khoảng 10-12 cơn bão/ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền trong năm nay. Đặc biệt, dự báo mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và 11/2021 ở các tỉnh miền Trung, khu vực Trung và Nam Trung Bộ.