Môi trường

Du lịch sinh thái gắn với bảo vệ đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Ba Bể

Khánh Ly 31/05/2023 - 17:02

(TN&MT) - Những năm gần đây, Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) tập trung phát triển du lịch sinh thái và ngày càng thu hút đông du khách đến tham quan. Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Phạm Văn Nam - Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Bể để hiểu rõ hơn về kinh nghiệm lồng ghép công tác bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển du lịch, vừa tăng thu nhập cho người dân vừa tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết một số nét đặc sắc nổi bật của VQG Ba Bể, điểm nhấn hấp dẫn du khách trong thời gian qua?

Ông Phạm Văn Nam: Vườn Quốc gia Ba Bể có tổng diện tích tự nhiên là 10.048 ha, là một phức hệ hồ-sông-suối-rừng trên núi đá vôi, từ dốc mạnh đến dốc đứng với nhiều hang động. Vườn Quốc gia Ba Bể là nơi lưu giữ mẫu chuẩn của hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi đặc trưng cho vùng Đông Bắc Việt Nam và thế giới.

ong-nam.jpg
Ông Phạm Văn Nam - phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn)

Trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể là hồ Ba Bể - một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là một hồ nước ngọt tự nhiên trên núi đá vôi lớn nhất Việt Nam, có cơ chế hình thành thuộc loại độc đáo nhất trên thế giới: hồ tự nhiên trên núi đá vôi nhưng không bao giờ cạn nước. Ba Bể là một trong hơn 500 hồ nổi tiếng trên khắp thế giới, là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên quan trọng trên thế giới cần được bảo vệ.

Vườn Quốc gia Ba Bể có tính đa dạng sinh học cao trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Cụ thể, Vườn có 978 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 571 chi, 157 họ của 6 ngành. Nhiều loài quý, hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng như: Tuế lá rộng, Thiết định, Nghiến, Sến mật, Chò chỉ, Hồi núi, Lan hài đốm... Về động vật dã, có 398 loài động vật có xương sống, thuộc 100 họ 35 bộ đặc trưng cho hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái đất ngập nước ở Đông Bắc bộ. Trong đó, có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm như: Cu li lớn, Vạc hoa, Cá cóc bụng hoa, Hổ mang chúa, Cá chiên... Vườn Quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn Di sản ASEAN năm 2003, Vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar) thứ 1.938 của thế giới năm 2011, Di tích Danh lam thắng cảnh đặc biệt cấp Quốc gia năm 2012.

Khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể có nhiều cộng động dân tộc thiểu số sinh sống vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng. Sự đa dạng về cảnh quan và các giá trị độc đáo của rừng, hồ, hang động cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm, đa dạng bản sắc văn hóa đồng bào miền núi đã thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

PV: Thưa ông, Vườn đã triển khai những giải pháp gì để có thể phát huy các giá trị đa dạng sinh học đặc sắc bản địa, giúp người dân nâng cao thu nhập?

Ông Phạm Văn Nam: Trong khu vực của Vườn quốc gia Ba Bể có nhiều cộng đồng dân cư địa phương sinh sống, với trên 3.500 nhân khẩu, khoảng 1.500 hộ gia đình. Chúng tôi nhận thức việc bảo vệ đa dạng sinh học nói chung và bảo vệ rừng nói riêng cần có sự vào cuộc của người dân. Vậy nên chúng tôi đã vận dụng các chính sách giao khoán, bảo vệ rừng cho cộng đồng địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, thay đổi nhận thức của người dân về lĩnh vực đa dạng sinh học.

Cùng với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng tham gia nhận khoán theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường của Nhà nước, VQG đã xây dựng các dự án bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế. Cụ thể năm 2017, chúng tôi đã xây dựng dự án phát triển chuỗi cây rau Bò khai – một loại thực vật dây leo trong VQG Ba Bể để làm món ăn đặc sản, phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Sản phẩm phù hợp với khí hậu địa phương, ít bị sâu bệnh nên cho chất lượng tốt và đem lại thu nhập khá cao cho người dân.

anh-5(1).jpg
Hoạt động thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023

Chúng tôi cũng triển khai chuỗi nuôi ong lấy mật với giống ong địa phương. Sản phẩm chủ yếu phục vụ khách du lịch và có giá trị cao, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Hồ Ba Bể có nguồn lợi thủy sản phong phú, sản lượng lớn và tính đa dạng cao. Chúng tôi cũng gắn bảo tồn với sử dụng bền vững các loài sinh vật trong hồ, bằng cách là hướng dẫn người dân quản lý và thực hiện khai thác bền vững. Người dân sử dụng các công cụ truyền thống như chài, lưới, đánh bắt theo kích cỡ và theo mùa, đảm bảo duy trì thường xuyên nguồn lợi thủy sản.

Gần đây, cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành địa phương, VQG Ba Bể cũng vận động 1 phần kinh phí để thả bổ sung cá giống vào hồ, tăng nguồn lợi thủy sản, phục vụ khai thác bền vững.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, cùng với những nỗ lực của Ban quản lý Vườn, sự vào cuộc ủng hộ của các cấp chính quyền, cộng đồng địa phương, công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn ngày càng được cải thiện, an ninh lâm nghiệp được đảm bảo. Dù vậy, Vườn Quốc gia Ba Bể cũng còn tiềm ẩn nguy cơ xâm hại tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học do các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và tác động của biến đổi khí hậu.

PV: Xin ông cho biết, để giảm các nguy cơ và tận dụng tốt các lợi thế tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, Ban quản lý VQG Ba Bể sẽ triển khai các hoạt động gì trong thời gian tới?

Ông Phạm Văn Nam: Để làm được điều này, một yếu tố rất quan trọng là nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương, học sinh về bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, sử dụng khôn khéo bền vững đất ngập nước, bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể sẽ chủ động thực hiện, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về các nội dung này. Bên cạnh đó, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại tới cảnh quan thiên nhiên, khai thác tài nguyên thiên nhiên.

anh-12.jpg
Vườn quốc gia Ba Bể định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học

Công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, thực hiện chính sách đầu tư và phát triển rừng đặc dụng cho cộng đồng địa phương sẽ tiếp tục được triển khai tới người dân. Vườn cũng sẽ tổ chức theo dõi, giám sát sự biến động của một số loài động vật thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu.

Để tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Vườn xây dựng các đề xuất triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án bảo tồn và phát triển nguồn gen, các loài động vật, thực vật quý hiếm; chú trọng các mô hình lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học với phát triểnkinh tế-xã hội, du lịch sinh thái địa phương, bảo tồn gắn với sinh kế, dựa vào cộng đồng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hết năm 2022, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tại VQG Ba Bể giảm 64,28% so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích rừng đặc dụng triển khai thực hiện công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng là hơn 7.140 ha cho 39 nhóm/tổ. Tiến độ triển khai thực hiện các chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng tại 45 cộng đồng thôn bản đều đảm bảo, trong đó, chú trọng hỗ trợ các hạng mục chủ yếu như xây kè nhà họp thôn bằng đá hộc, làm đường sản xuất, sửa nhà họp thôn, xây nhà vệ sinh, hỗ trợ hệ thống đèn đường thắp sáng...

Nhằm mục tiêu hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, UBND tỉnh Bắc Kạn đang xây dựng Quy hoạch du lịch danh lam thắng cảnh đặc biệt hồ Ba Bể để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là nền tảng thu hút đầu tư để Bắc Kạn sớm trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái trên cả nước trong thời gian tới.

Khánh Ly