Ngành TN&MT

Đại biểu Quốc hội: Cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường

Trường Giang 31/05/2023 - 16:00

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững; kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa nước đa mục tiêu phục vụ các nhu cầu nước sinh hoạt và cấp nước các ngành kinh tế khác.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 31/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường

Phát biểu góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn tỉnh An Giang) kiến nghị trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường. Đại biểu cho biết, hiện nay việc kiểm soát chất thải ở nước ta còn nhiều hạn chế, trong đó có rác thải rắn…

Theo đại biểu, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị, hóa lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác thải. Tuy nhiên chỉ có 15% được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng. Hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, nhưng chỉ có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây không chỉ là gánh nặng về môi trường mà còn khiến cho Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.

310520230226-z4392294067490-ca7098fe5381ebde217eb55e1ceb79fd.jpeg
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn tỉnh An Giang) phát biểu tại phiên họp

Theo đại biểu, tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số máy móc, thiết bị cũ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp, rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn. Thế nhưng, tại các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ và chính thức.

Đại biểu nhấn mạnh, rác thải nếu được phân loại và tận dụng triệt để giá trị thì cũng là nguồn tài nguyên vô cùng lớn. Nếu khai thác tốt cũng chính là một trong những giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định rõ lộ trình với những biện pháp cụ thể, phù hợp, khả thi hơn trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu tăng cường hơn nữa các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp trong xử lý, tái tạo chất thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Cần quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa nước

Quan tâm đến việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Tráng A Dương cho biết thời gian qua, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mà cử tri, Nhân dân quan tâm, kỳ vọng, đồng tình, ủng hộ, đặc biệt là cử tri, nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện. Chương trình đến nay đã cơ bản hoàn thành việc ban hành cơ chế quản lý các quy định, định mức hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung, chương trình. Việc tổ chức triển khai bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực.

1.jpg
Quang cảnh phiên họp

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, còn một số dự án dự án thành phần của chương trình chưa có hướng dẫn, chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoặc có nhưng còn mâu thuẫn, không thống nhất dẫn đến các địa phương lúng túng chậm triển khai tiến độ giải ngân đạt thấp, gây lãng phí, giảm hiệu quả vốn sử dụng, làm chậm tiến độ thực hiện.

Đại biểu Tráng A Dương nhấn mạnh, chậm triển khai một ngày là thêm một ngày người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chờ đợi để được tiếp nhận chính sách và thêm một ngày nguồn lực đầu tư cho chương trình bị lãng phí. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn với trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương đẩy mạnh việc ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo quy trình thủ tục rút gọn, bảo đảm phù hợp với tình hình và năng lực thực thi của cấp cơ sở.

Đại biểu Tráng A Dương cũng phản ánh tình hình của Hà Giang là vùng núi đá, địa hình đồi núi, dốc, thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là về mùa khô. Đại biểu cho biết từ đầu năm đến nay tình trạng khô hạn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Người dân lại phải đi lại hàng chục cây số để chở từng ca nước về phục vụ cuộc sống sinh hoạt.

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, đại biểu Tráng A Dương phản ánh cử tri Hà Giang kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa nước đa mục tiêu phục vụ các nước sinh hoạt và cấp nước các ngành kinh tế khác.

Đại biểu cho rằng, các công trình hồ treo trữ nước, cấp nước sinh hoạt và công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy không chỉ giúp ổn định cả về trữ lượng và chất lượng nước, từng bước thay thế nguồn nước mạch không ổn định, chưa qua xử lý, từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân vào mùa khô; góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống sức khỏe người dân, ổn định dân cư.

Trường Giang