Xã hội

Lào Cai: Người Mông sử dụng tài nguyên đất hiệu quả

Bích Hợp 30/07/2021 15:22

(TN&MT) - Không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, không còn cảnh du canh, du cư để tìm những mảnh đất màu mỡ trồng cấy, người Mông tại Lào Cai đã biết canh tác trồng trọt thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính tài nguyên đất sẵn có của gia đình mình.

Thoát nghèo nhờ đi đúng hướng

Chúng tôi đến Sa Pa trong một sớm mùa hè. Trên những thửa ruộng bậc thang, đồng bào người Mông đương mùa thu hoạch lá atiso. Niềm vui, hiện rõ lên trong khuôn mặt họ. Tôi cảm nhận cuộc sống ở đây đã phần nào đổi khác, ấm no đã về với bản làng nơi đây.

anh-1-4-.jpg
Cây Atiso đã thay đổi cuộc sống của người Mông tại Sa Pa

Thoăn thoắt đôi bàn tay cắt lá atiso, ông Giàng A Chơ, thôn Suối Hồ, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, hồ hởi chia sẻ: Ngày trước, người dân trong thôn chỉ biết trồng lúa, trồng rau, thu hoạch chẳng đủ để ăn. Nhờ Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương hướng dẫn, đồng bào đã chuyển sang trồng cây atiso cho hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sapa đã hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đồng thời nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm atiso sau thu hoạch, bà con an tâm trồng và phát triển kinh tế. Nhờ đó, gia đình ông và nhiều hộ dân trong thôn Suối Hồ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

“Trước đây, 2.800 m2 ruộng bậc thang của gia đình tôi trồng lúa một vụ/năm, thu nhập khoảng 13 triệu đồng. Nhưng từ khi chuyển đổi sang trồng atiso, mỗi năm cho 8 đợt cắt lá. Sau khi đã trừ hết các khoản chi phí sản xuất, gia đình tôi thu được từ 70 - 80 triệu đồng. Ngoài ra, bán hoa và củ atiso cũng có thêm thu nhập đáng kể” - Ông Giàng A Chơ cho biết.

Không có lợi thế trồng cây atiso như người Mông ở Sa Pa, người Mông ở Si Ma Cai lại phát triển cây lê tai nung, một loại quả đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao và thu hoạch lâu dài. Anh Thào A Sử, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai đang chăm sóc vườn lê trong niềm vui phấn khởi. Anh Sử vui vẻ kể: “Từ năm 2018, khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lê, gia đình tôi đã thoát nghèo, có tiền sửa nhà, sắm xe máy, ti vi, đặc biệt là lo cho 2 con được ăn học”.

Quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên đất

Nhận thấy tiềm năng kinh tế, huyện Sa Pa đã đưa 50 ha cây atiso vào danh mục cây trồng dược liệu chủ đạo. Trung bình một năm, bà con thu hoạch hơn 3.000 tấn lá tươi, đem lại nguồn thu gần 8 tỷ đồng/năm.

anh-2-5-.jpg
Cây lê tai nung hướng đi mới thoát nghèo của người Mông Si Ma Cai

Ông Vũ Xuân Quý, Trưởng phòng NN&PTNT thị xã Sa Pa, cho biết, thị xã Sa Pa có chủ trương, quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên đất. Đặc biệt là giúp đồng bào dân tộc bám đất, phát triển kinh tế nhờ vào quỹ đất vốn có và đảm bảo các nguyên tắc nhất định. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu ra và chất lượng sản phẩm atiso không ngừng được nâng lên, huyện Sa Pa có chủ trương không mở rộng diện tích, tập trung chăm sóc tốt diện tích hiện có trong giai đoạn từ nay đến 2025. Cùng với đó, các loại cây trồng và cây dược liệu khác cũng sẽ được huyện phát triển theo đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt.

Còn tại huyện Si Ma Cai, cây lê đang là một hướng đi mới cho đồng bào người Mông phát triển kinh tế vươn nên thoát nghèo. Lãnh đạo huyện Si Ma Cai chia sẻ, để khai thác bền vững đất nông nghiệp trên địa bàn, năm 2018 huyện đã xây dựng Đề án Trồng cây lê tai nung. Những năm gần đây, người dân trong huyện đã áp dụng khoa học công nghệ, làm giàn, vin cành, tạo tán, bón phân, tỉa quả, bọc quả, phòng chống sâu bệnh nên cây lê ở đây phát triển tốt, thu hoạch cho năng suất, chất lượng cao.

Cây lê ở Si Ma Cai là loại cây trồng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên không mất nhiều công chăm sóc. Đặc biệt, lê là cây cho thu hoạch lâu dài, giá bán cao nên người dân rất yên tâm phát triển cây trồng. Từ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân tại huyện vùng cao Si Ma Cai.

Bích Hợp