Khoáng sản

Chuyển đổi số trong khai thác khoáng sản: Xu thế tất yếu

Mai Đan 30/05/2023 - 14:30

(TN&MT) - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các nước, các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực khai thác khoáng sản hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn” vừa diễn ra tại Thanh Hóa, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã nhấn mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực khai thác khoáng sản là xu thế tất yếu.

Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan để doanh nghiệp phát triển

Theo ông Lại Hồng Thanh - Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, hiện nhiều nước trên thế giới đã xây dựng và triển khai các chiến lược/chương trình quốc gia về chuyển đổi số.

Không ngoài xu thế chung đó, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, trong đó, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành ngày 10/2/2022 đã xác định mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực khai thác khoáng sản hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

anh-chuyen-doi-so.jpg
Công ty CP Tập đoàn Masan luôn chú trọng ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh.

Theo đó, Bộ TN&MT đã ban hành kế hoạch năm 2023 với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh” nhằm đẩy mạnh phát huy các nguồn lực tài nguyên cho tương lai phát triển bền vững nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Ông Lại Hồng Thanh mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp sẽ đưa ra những giải pháp, lộ trình cần thực hiện cho kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực khai thác khoáng sản hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản theo đúng tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW cũng như Kế hoạch của Chính phủ, của Bộ TN&MT cần thực hiện trong thời gian tới.

Với mong muốn trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và không ít những thách thức. Vì vậy, chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển.

Ông Lương Chí Công - Quản lý Đối ngoại và quan hệ Chính phủ, Công ty Masan High-Tech Materials (MHT) chia sẻ: Bên cạnh các giải pháp cốt lõi về công nghệ, kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là việc tích hợp chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, từ quản trị, khai thác, chế biến, tiêu thụ… đang là một trong những trụ cột phát triển và ưu tiên quan trọng của MHT nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển bền vững

Để thực hiện hiệu quả lộ trình và bước đi trong tích hợp chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, đại diện công ty MHT đề xuất Chính phủ, Bộ TN&MT tạo hành lang pháp lý, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững.

Hiện Công ty đang có kế hoạch triển khai Dự án Nhà máy tái chế Vonfram tại tỉnh Thái Nguyên. Việc Masan mua lại Công ty H.C. Starck cũng là để thực hiện cam kết với Chính phủ Việt Nam là đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến sâu, tái chế vật liệu công nghệ cao và Masan đã thành công trong lĩnh vực này. Việc đưa công nghệ tái chế của Đức về Việt Nam là một bước nâng cao hơn nữa, không chỉ chế biến sâu, chế tạo vật liệu công nghệ cao mà còn đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp quan trọng, hoàn thiện chu trình khép kín 3R: REDUCE, REUSE, RECYCLE - Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế.

Để thực hiện được dự án chiến lược này, Công ty phải được phép nhập khẩu phế liệu Vonfram, phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy tái chế Vonfram tại tỉnh Thái Nguyên. Trước đây, Vonfram đã có trong danh mục nhập khẩu, nhưng vì chưa có công ty nào ở Việt Nam có đủ năng lực, chiến lược bài bản để thực hiện hoạt động tái chế nên Chính phủ đã đưa Vonfram ra khỏi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Do vậy, Công ty Masan đề nghị Chính phủ, Bộ TN&MT nhất trí bổ sung Vonfram vào danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Việc này sẽ tạo hàng lang pháp lý quan trọng và cần thiết để Công ty triển khai thành công dự án nhà máy tái chế Vonfram tại tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới, đồng thời, cụ thể hóa mô hình áp dụng chuyển đổi số trong khai thác, chế biến, tái chế phế liệu, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và góp phần vào tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Sơn Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua, Sở đã chủ động tuyên truyền rộng rãi về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số ngành TN&MT tỉnh Thanh Hóa. Trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền về mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải carbon thấp… đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong ngành, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn liên quan.

Ông Nguyễn Sơn Hà cho biết, thời gian tới, Sở TN&MT Thanh Hóa sẽ nghiên cứu, tham mưu cho các cấp ban hành các chế tài và công cụ trong giám sát hoạt động khai thác khoáng sản; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy hoạch khoáng sản được cấp thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu của chính quyền cơ sơ trong quản lý tài nguyên khoáng sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật khoáng sản đối với các tổ chức, doanh nghiệp.

Sở cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, đánh giá tác động môi trường, đóng cửa mỏ và các nội dung có liên quan đảm bảo đúng quy định pháp luật; xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh.

Mai Đan