Trong nước

ĐBQH Đỗ Văn Yên: Cần nghiêm cấm tiết lộ dữ liệu tạo chữ ký số trong giao dịch điện tử

Khương Trung (lược ghi) 30/05/2023 09:56

(TN&MT) - ĐBQH Đỗ Văn Yên đoàn Bà rịa – Vũng tàu cho rằng những hành vi tiết lộ dữ liệu tạo chữ ký số, giả mạo chữ ký số cần được nghiêm cấm trong giao dịch điện tử và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sungvào khoản 6 Điều 9 dự thảo Luật để nâng cao hiệu lực của pháp luật và căn cứ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Quy định chặt chẽ hơn và phù hợp với các Luật liên quan

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đỗ Văn Yên bày tỏ cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

300520230853-z4388254302336_044da2c1873417ef8b2e94b245768b58.jpg
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn ĐBQH Bà rịa - Vũng tàu) 

Góp ý về nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, giao dịch điện tử có phạm vi tác động rộng, trong đó có các quy định yêu cầu bảo đảm, bảo mật, an ninh, an toàn thông tin của thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử, trong cung cấp, quản lý chứng thư điện tử và chi phí điện tử. Dự thảo luật đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện giao dịch điện tử là phù hợp.

Tuy nhiên, theo đại biểu, những hành vi tiết lộ dữ liệu tạo chữ ký số, giả mạo chữ ký số cần được nghiêm cấm trong giao dịch điện tử. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung những hành vi trên vào khoản 6 Điều 9 dự thảo Luật để nâng cao hiệu lực của pháp luật và căn cứ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Về thời điểm gửi nhận thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, đại biểu Đỗ Văn Yên cho biết, dự thảo Luật quy định thời điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu của các chủ thể được xác định trong các trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì ở bất kỳ địa điểm nào, thông điệp dữ liệu được gửi đi và nhận thì địa điểm đó vẫn được coi là trụ sở của người gửi, người nhận nếu người gửi, người nhận là cơ quan, tổ chức; được coi là nơi cư trú nếu người gửi, người nhận là cá nhân.

Theo đại biểu, quy định như vậy là phù hợp với tính chất giao dịch điện tử trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, quy định này chưa thống nhất với Luật Cư trú, Luật Doanh nghiệp quy định về nơi cư trú và trụ sở của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời, việc xác định địa điểm gửi, nhận thông điệp dữ liệu, giao kết hợp đồng điện tử có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện hợp đồng và giải quyết phát sinh tranh chấp trên thực tế. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về vấn đề này chặt chẽ hơn và phù hợp với các Luật liên quan.

Cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp

Theo Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, Luật Giao dịch điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai công tác trong thời kỳ mới, nên việc sửa đổi luật cho phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết để làm thông thoáng thủ tục trong môi trường pháp lý. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong giao dịch điện tử.

300520230853-z4388287449625_e26a809e8f3ae99e40bd05eddf7dca85.jpg
Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Để giảm thiểu tình trạng nguy hiểm này, bảo đảm quyền lợi của người thực hiện giao dịch cũng như môi trường giao dịch lành mạnh, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần có quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Tiếp thu và rà soát những vướng mắc của Dự thảo Luật

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở Tổ và 15 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường.

300520230831-z4388189009838_336d67ebb16555453fd450e2168a1617.jpg
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH.

Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, về đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật (26 luật và các văn bản quy định chi tiết) và điều ước quốc tế (09 văn bản) liên quan đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi; có ý kiến đề nghị nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh… Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Điều 1 đã được chỉnh lý như trong dự thảo Luật theo hướng: chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động GDĐT; có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò quản lý nhà nước về GDĐT của cơ quan thuộc Chính phủ, bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, xin Quốc hội cho phép bỏ khoản 4 Điều 7, đồng thời đề nghị bổ sung nội dung “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” vào khoản 2, khoản 3 Điều 7 và bổ sung khoản 4 Điều 7 quy định như sau: “4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật”.

Liên quan đến chữ ký điện tử, có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội hàm của chữ ký số, chữ ký điện tử; đề nghị làm rõ các hình thức OTP, SMS hay sinh trắc học có phải là chữ ký điện tử không; có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực với vai trò như là chữ ký điện tử. Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung giải thích từ ngữ về “Chữ ký số”, “Chữ ký điện tử” tại Điều 3, đồng thời UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung khoản 4 Điều 25 quy định về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải là chữ ký điện tử thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, để phù hợp với thực tiễn triển khai.

Về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các điều từ Điều 43 đến Điều 47 dự thảo Luật quy định cụ thể về các loại hình GDĐT, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy GDĐT.

Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm giám sát, quản lý hệ thống thông tin phục vụ GDĐT của các cơ quan nhà nước có liên quan. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để đảm bảo tính khả thi, Điều 51 được đổi tên và chỉnh lý nội dung tương ứng.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy nhấn mạnh, ngoài các vấn đề trên đây, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện văn phong pháp lý, sắp xếp, bố cục lại dự thảo Luật cho hợp lý và lô gíc hơn. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 Chương, 54 Điều.

Khương Trung (lược ghi)