Thoát nghèo ở Bình Liêu
(TN&MT) - Những năm qua, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn huyện miền núi, nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, áp dụng kỹ thuật phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Là huyện miền núi với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống còn nhiều khó khăn, những năm qua huyện Bình Liêu đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, giúp cho hàng trăm hộ dân, nhất là bà con DTTS vươn lên thoát nghèo.
Bước vào năm 2022, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới với các tiêu chí đo lường gồm thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện tăng lên 5,37%, tỷ lệ hộ cận nghèo tăng lên 15,02% tương đương với 413 hộ. Vì vậy, huyện Bình Liêu đặt mục tiêu trong năm giảm tối thiểu 287 hộ nghèo, tỷ lệ giảm trung bình là 3,73%, giảm tối thiểu 200 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm trung bình là 2,6%.
Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết, để hoàn thành chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm, huyện Bình Liêu đã triển khai đồng bộ các giải pháp và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo, như thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập, chế độ tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề dựa vào lợi thế của địa phương. Hết năm 2022, toàn huyện có 385 hộ thoát nghèo, 1.091 hộ thoát cận nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện theo tiêu chí nông thôn mới giảm còn 1,19.
Xã Đồng Văn, huyện miền núi Bình Liêu, có trên 96% là đồng bào DTTS, với số hộ nghèo, hộ cận nghèo nhiều nhất huyện. Hầu hết các hộ dân sống rải rác, trình độ dân trí còn hạn chế. Ông Lô Ngọc Hòe, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết, chúng tôi tập trung tuyên truyền, giải thích với bà con, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác manh mún của người dân, hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những cây, con giống có chất lượng, phù hợp khung thời vụ, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, để sản xuất, nâng cao kinh tế gia đình, từng bước làm chủ cuộc sống.
Anh Dương Chống Thìn, bản Phai Lầu, xã Đồng Văn hồ hởi khoe, nhiều năm trước, gia đình tôi thuộc hộ khó khăn trong bản, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương về nguồn vốn và được tập huấn về kỹ thuât, gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng gần 10 ha quế, hồi kết hợp chăn nuôi gà, dê. Đến nay, diện tích rừng quế hồi cho thu nhập hơn 200 triệu/năm, giúp cho gia đình tôi xây được nhà mới, mua xe máy, vươn lên trở thành hộ khá giả trong bản.
Ổn định đời sống người dân
Sau gần hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã mang lại nhiều kết quả, tác động tích cực đến đời sống của người dân.
Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện đã chủ động bố trí các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt trong công tác đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng đời sống nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt
Nổi bật, năm 2022, huyện Bình Liêu đã đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo với 171 hộ đăng ký và cam kết xây nhà ở trong năm. Đến nay, đã khởi công 100% số hộ đăng ký với 162 hộ đã xây xong, 9 hộ đang xây dựng, có 1.181 hộ đăng ký và cam kết xây nhà tiêu hợp vệ sinh, đã có 856 hộ hoàn thành và 149 hộ đang thực hiện.
Bà Phùn Sám Múi, ở thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại - một trong số hơn 162 hộ được hỗ trợ xây nhà năm 2022, phấn khởi khoe, nhờ chính quyền, cũng như các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ 50 triệu đồng và được các hộ trong thôn giúp ngày công, gia đình tôi mới xây được nhà mới, với nhà bếp, nhà vệ sinh ngay trong nhà tiện cho sinh hoạt và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, để giữ vững thành quả đạt được, huyện miền núi Bình Liêu luôn xác định rõ viêc trợ giúp cho hộ cận nghèo, hộ nghèo vượt qua khó khăn trong một thời điểm nhất định, chứ không thể giúp thường xuyên, để những hộ nghèo có động lực tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chia sẻ thêm với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Hoàng Ngọc Ngò cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức tự lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo là một yếu tố quan trọng của chương trình, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại, cũng như nâng cao chất lượng nguồn lao động của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cụ thể, địa phương hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp người dân nâng cao mức sống thoát nghèo bền vững.
Những năm qua, huyện Bình Liêu đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo sinh kế cho người dân ở địa phương, từ năm 2022 đến nay, đã mở được 8 lớp nghề cho 160 lao động nông thôn, kết nối cho gần 700 lao động tiếp cận cơ hội làm việc tại ngành than và nhiều doanh nghiệp khác. Đồng thời, kết nối cho 819 hộ dân vay hơn 57 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định, giúp người dân thoát nghèo bền vững.