Xã hội

Nâng cao chất lượng rừng luồng, tăng thu nhập cho người dân

Ngọc Vương 27/02/2015 14:52

(TN&MT) - Theo khảo sát của các chuyên gia lâm nghiệp, hiện nay rừng trồng luồng trên cả nước đang trên đà suy thoái, giảm cả về chất lượng và năng suất, mặc dù diện tích luồng có tăng lên.

Nguyên nhân chủ yếu là do không thực hiện nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến khai thác, sử dụng rừng luồng. Rừng trồng luồng ở nhiều địa phương bị khai thác quá mức, khai thác không có quy hoạch, sâu bệnh gia tăng phá hoại đã dẫn đến đất rừng luồng đã bị thoái hóa, năng suất rừng luồng bị sụt giảm nghiêm trọng.

img-6080.jpg
Rừng trồng luồng trên cả nước đang trên đà suy thoái, giảm cả về chất lượng và năng suất

Trước tình trạng trên, dự án khuyến nông “Phục hồi rừng luồng thoái hóa” do TS. Đặng Thịnh Triều, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam làm Chủ nhiệm đã được triển khai với mục tiêu chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng, khai thác, nâng cao năng suất và chất lượng rừng luồng, tăng thu nhập cho người dân. Dự án “Phục hồi rừng luồng thoái hóa” đặt mục tiêu phục hồi diện tích rừng luồng thoái hóa 182 ha và 165 ha diện tích trồng mới, trong đó bao gồm phục hồi 102 ha đất xấu, 70 ha khai thác quá mức, 70 ha phục hồi do sâu bệnh.

Từ năm 2013, tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và Phú Thọ là những địa phương được lựa chọn để xây dựng mô hình trình diễn dự án từ năm 2013 – 2015. Đây cũng là 3 tỉnh có diện tích trồng luồng lớn nhất cả nước với tổng diện tích gần 100.000 ha.

Đánh giá kết quả bước đầu thực hiện dự án, TS. Đặng Thịnh Triều, cho hay, sau hơn năm triển khai xây dựng mô hình trình diễn ở các địa phương, cây luồng sinh trưởng, phát triển tốt với tỷ lệ sống đạt 90%. Chất lượng cây luồng được cải thiện đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế mang lại từ chính cây luồng từng bước được nâng lên. Hiện nay, thu nhập trung bình đối với cây luồng dao động khoảng trên 8 triệu đồng/ha/năm, mang lại nguồn thu thường xuyên hàng năm cho bà con nông dân làm nghề rừng. Tại Thanh Hóa, địa phương có diện tích khoảng hơn 71.000 hạ luồng, chiếm 55% diện tích trồng luồng cả nước, luồng được coi là cây xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn hộ dân nơi đây.

images5612343_atgt_8.5.jpg
Luồng được coi là cây xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn hộ dân

Còn tại Hòa Bình, theo Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, dự án không những tạo nhận thức cho người dân về nâng cao năng suất, chất lượng rừng luồng từ kỹ thuật phục hồi rừng luồng thoái hóa mà còn góp phần cải tạo một diện tích rừng luồng thoái hóa đáng kể và đem lại cho địa phương mô hình điển hình để tiếp tục nhân rộng.

Có thể nói, dự án “Phục hồi rừng luồng thoái hóa” đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp đồng thời là cơ sở quan trọng để tiến hành nghiên cứu, phát triển các diện tích rừng đang suy thoái và mở rộng quy mô canh tác rừng luồng tại các địa phương. Đây cũng là cơ sở để đẩy mạnh cây luồng thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thụ nhập cho bà con nông dân tại các địa phương có thế mạnh phát triển cây lâm nghiệp, trồng rừng.

Ngọc Vương