Môi trường

Phát triển điện gió ngoài khơi hướng tới mục tiêu giảm phát thải

Khánh Ly 26/05/2023 15:35

(TN&MT) - Theo Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu trong nước đạt khoảng 6.000MW, định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.500MW với điều kiện công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện gió dài hạn sẽ góp phần giảm thiểu hàng triệu tấn các-bon từ nhiệt điện.

a13.jpg
TS Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại Diễn đàn

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Diễn đàn “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050” diễn ra sáng ngày 26/5, tại Hà Nội. TS Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, với mục tiêu này, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt trung hòa các-bon ngành năng lượng nói riêng và trung hòa các-bon nói chung đến năm 2050, tạo nền móng phát triển công nghiệp điện gió và mang tới giải pháp dài hạn cho chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Linh Ngọc, định hướng quan trọng của Việt Nam trong những thập kỷ tới là hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh. Trong nỗ lực của Việt Nam để đạt được mục tiêu đã cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, điện gió là một yếu tố đóng góp chính vào cơ cấu năng lượng. Quy hoạch Điện VIII (PDP8) dự báo rằng, không phải điện mặt trời mà là năng lượng điện gió sẽ thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Với trọng tâm chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, điện gió được kỳ vọng sẽ là nhóm được đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam. Củng cố cho việc phát triển sản lượng nhóm điện gió là các giới hạn của nhóm năng lượng mặt trời và thủy điện, mở đường cho điện gió chiếm vị trí trung tâm trong phát triển năng lượng tái tạo.

Đánh giá về sự thay đổi các nguồn điện, TS. Dư Văn Toán, Chuyên gia năng lượng tái tạo, Viện nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ TN&MT) cho biết, Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về đầu tư vào nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời). Để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, tỷ trọng công suất NLTT sẽ tăng dần: Năm 2020 đạt 25%; 2030 đạt gần 32%, năm 2045 đạt gần 58%.

a25.jpg
TS. Dư Văn Toán, Chuyên gia năng lượng tái tạo, Viện nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ TN&MT) phát biểu tại Diễn đàn

Đối với điện gió ngoài khơi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện xong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP; trong đó có các quy định về cấp phép điều tra, khảo sát để xây dựng dự án ĐGNK. Dự thảo mới đã bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự thẩm định, ban hành văn bản chấp thuận đo đạc, quan trắc, đánh giá tài nguyên biển.

Tuy nhiên, để phát triển năng lượng điện gió đạt được như mục tiêu quy hoạch, TS. Dư Văn Toán kiến nghị cần xây dựng Khung pháp lý cho năng lượng tái tạo và ĐGNK, bao gồm: Luật năng lượng tái tạo (điện mặt trời, gió ngoài khơi, sóng…); các văn bản nghị định , thông tư quy định về NLTT, ĐGNK, các vấn đề bảo vệ môi trường, trung hòa các bon; Tiêu chuẩn quốc gia, quy định kỹ thuật, chính sách quản lý, tái chế và thu gom rác thải từ năng lượng tái tạo (tấm pin mặt trời, tuabin gió, tuabin sóng..). Bên cạnh đó, Nhà nước cần có lộ trình phát triển dài hạn NLTT, ĐGNK; quy hoạch năng lượng, quy hoạch điện, quy hoạch không gian biển dài hạn, gắn với các ngành kinh tế khác.

a34.jpg
Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn, Cục Biến đổi khí hậu - Bộ TN&MT chia sẻ về các chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn, Cục Biến đổi khí hậu - Bộ TN&MT cho biết: Theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật, NDC cập nhật đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải đến năm 2030 là 43,5% nếu có hỗ trợ quốc tế, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải giảm khoảng 400 triệu tấn CO2 so với kịch bản phát triển thông thường. Việt Nam đã cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển từ than sang năng lượng sạch, Cam kết giảm phát thải khí Mê tan toàn cầu. Đây là những áp lực rất lớn cho quá trình phát triển điện lực của Việt Nam. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là trong Nghị định 06/2022-NĐ-CP.

Điện gió ngoài khơi được xem như giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính. Lĩnh vực này cũng giúp tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cải thiện đời sống của người dân. Với các nỗ lực đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai – ông Huy khẳng định.

a46.jpg
Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam chia sẻ về những thách thức với nhà đầu tư điện gió ngoài khơi

Chia sẻ về những thách thức với nhà đầu tư ĐGNK, ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho biết, khó khăn rõ rệt nhất là chính sách liên quan chưa rõ ràng, như thời gian phê duyệt Quy hoạch điện VIII kéo dài, việc đàm phán hợp đồng giá bán điện, chưa có văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể bước triển khai các dự án NLTT sau Quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Các mức ưu đãi đầu tư hiện cũng chưa thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Việc phát điện lên lưới còn phụ thuộc khả năng truyền tải hệ thống điện Quốc gia. Thời gian áp dụng giá điện FIT ngắn, khó khăn cho quá trình đàm phán vốn vay các dự án NLTT có công suất lớn, thời gian xây dựng dài...

Nguồn lực tài chính là một cấu phần quan trọng của chuyển dịch Năng lượng, việc khơi thông nguồn vốn cho các dự án sản xuất năng lượng tái tạo trong đó có điện gió và hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.

42.jpg
PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng phát biểu tại Diễn đàn

Theo PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, việc thực hiện quy hoạch điện 8 đảm bảo phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió là một quá trình dài. Chính phủ cần đánh giá thực trạng về vấn đề năng lượng năm vừa qua bất cập ra sao, khó khăn do đâu, điện sản xuất ra không bán được, thiếu truyền tải. Bà Phạm Thị An đề nghị Bộ Công Thương cần minh bạch giá điện than để có căn cứ so sánh chi phí giá với ĐGNK. Nếu làm được điều này, Quy hoạch điện VIII có thể nói sẽ tháo gỡ về vấn đề môi trường trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Khánh Ly