Tiếng dân

Đà Nẵng:  “Linh động” cho nhà thầu sử dụng đất có nguồn gốc "tứ phía" để san lấp?

Võ Hà 26/05/2023 - 09:20

Dự án Mở rộng Trường Tiểu học số 2 Hòa Phước, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng được UBND TP Đà Nẵng cấp quyết định đầu tư với mục tiêu đáp ứng môi trường học tập an toàn cho hàng ngàn học sinh khu vực. Thế nhưng, bước đầu thi công công trình nhà thầu đã có dấu hiệu không tuân thủ pháp lý theo hồ sơ thiết kế, dự toán đã được phê duyệt

Trường Tiểu học số 2 Hòa Phước được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cấp quyết định đầu tư, giao UBND huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư, điều hành dự án là Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang. Đây là công trình dân dụng cấp 3, với khối lớp học, phòng bộ môn, bếp ăn quy mô 3 tầng trên diện tích xây dựng 970 m2, tổng diện tích sàn 2.730 m2. Công trình thực hiện từ vốn ngân sách của thành phố.

Dự án do liên danh nhà thầu Công ty TNHH xây lắp và dịch vụ thương mại Đà Quảng – Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Minh Đạt – Công ty CP Phương An Bình, thời gian thực hiện 270 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Giá trị trúng thầu là 21,78 tỷ đồng.

hoaphuoc1.jpg
Cát dùng san lấp cho dự án có lẫn bùn khoan cọc nhồi.

Dự án thuộc lĩnh vực giáo dục với mục tiêu nhằm đảm bảo môi trường học tập, đáp ứng nhu cầu đến lớp của hàng ngàn học sinh tại khu vực nên được người dân địa phương rất quan tâm, nhất là chất lượng công trình.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân về chất lượng và nguồn gốc đất san nền đầu vào tại đây có dấu hiệu không được đảm bảo. Vào cuộc theo dõi xác minh một thời gian dài, PV Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận được nhiều hình ảnh, thông tin cho thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Theo hồ sơ dự án, cao độ san nền thấp nhất là 4.16, cao nhất là 4.25 trên diện tích đắp đất san nền là 4.276 m2, với tổng khối lượng khoảng 10.636 m3 (kể cả phần đắp bù lún). Để thực hiện san nền cho dự án, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe tải chở đất, cát không đồng nhất về đổ vào dự án. Bám theo đuôi xe chở đất, chúng tôi phát hiện nguồn đất san nền cho dự án được tận dụng từ đào móng tại các công trình dân dụng trên địa bàn. Do đó, tại hiện trường dự án, PV ghi nhận tình trạng đất có lẫn gạch, đá cát, thậm chí có cả bùn khoan cọc nhồi, đất đắp có nhiều màu lẫn lộn nhìn rất phản cảm.

hoaphuoc2.jpg
Đất, cát sau khi san ủi ra để lộ thiên gạch, đá móng và rác nhìn rất phản cảm

Theo một kỹ sư xây dựng, với một công trình vốn Nhà nước có dự toán được phê duyệt lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng lại sử dụng đất, cát được đào từ các móng nhà (không có nguồn gốc) để san nền là điều không thể chấp nhận được. Về trình tự, Dự án được chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn thiết kế và lập dự toán chi tiết tuân thủ tiêu chuẩn thiết kế. Để được phê duyệt, hồ sơ phải trình qua đơn vị thẩm tra, thẩm định. Chính vì thế, hồ sơ luôn có chỉ dẫn kỹ thuật công trình, tất cả vật liệu đầu vào phải phù hợp với chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật theo yêu cầu thiết kế và đặc biệt là vật liệu sử dụng phải có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Như vậy rõ ràng việc tận dụng đất, cát được đào từ móng nhà các công trình khác là không đúng quy định.

Để làm rõ hơn vấn đề, PV đã liên hệ đến ông Nguyễn Bá Tâm, Trưởng ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, quá trình liên hệ để được làm việc với vị trưởng ban này, PV gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí là biểu hiện né tránh. Qua 2 buổi làm việc với ông Tâm, mặc dù đã được ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang ủy quyền, thế nhưng PV vẫn chỉ nhận được một vài tài liệu sơ sài như Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; Quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng; Quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu… cùng với lời hứa hẹn sẽ cung cấp thêm nhưng không cho biết cụ thể là khi nào.

hoaphuoc.jpg
Xe tải đổ đất xong vừa ra khỏi công trường

Theo ông Tâm, hiện nay trên thành phố rất khan hiếm nguồn đất san lấp, nên Ban đã “linh động” cho nhà thầu lấy đất từ đất tầng phủ trên địa bàn. Khi PV đặt câu hỏi, đất san lấp tuy hiếm nhưng không phải là không có sao không lấy từ mỏ hợp pháp?!, thì được ông Tâm lý giải là nếu lấy đúng sẽ bị đội giá thành của m3 đất, dẫn đến nhà thầu thi công sẽ bị lỗ(?).

Cũng tại buổi làm việc, một cán bộ trực tiếp phụ trách dự án thuộc Ban QLDA “tự tin” thừa nhận, đất sử dụng san lấp tại dự án được nhà thầu lấy từ “tứ phía” kèm khẳng định là các bước nghiệm thu chất lượng đều đạt thì mới cho triển khai các bước tiếp theo, chứ lo gì!

Điều khiến chúng tôi khó hiểu, dự án được phê duyệt gần đây, Quyết định trúng thầu cũng vào cuối năm 2022, vậy vì sao đơn giá lại bị chênh lệch đến nỗi không thể lấy được đất đúng nguồn gốc? Phải chăng khi lập hồ sơ đấu thầu, liên danh nhà thầu chỉ đặt ưu tiên đến việc trúng thầu mà không quan tâm đến giá cả thị trường? Và có hay không việc Ban QLDA có dấu hiệu “bật đèn xanh” cho nhà thầu sử dụng nguồn đất không hợp pháp để san lấp công trình sau này sẽ là nơi ăn học của hàng ngàn học sinh?!

Càng khó hiểu hơn là khi PV đặt vấn đề xin hồ sơ pháp lý về nguồn gốc vật liệu đầu vào đối với đất san lấp tại công trình, ông Tâm chần chừ, sau đó hỏi cán bộ phụ trách không có nên hẹn cung cấp sau. Thế nhưng, sau 2 tuần quay lại, chúng tôi cũng nhận được câu hẹn tương tự từ ông Tâm, ông lý giải là nhà thầu chưa cung cấp trong khi đó hạng mục san nền đã gần kết thúc.

hoaphuoc4.jpg
Dự án đã thi công xong tường rào bao quanh, hạng mục san nền đã gần xong.

Ông S. là kỹ sư xây dựng, có hơn 20 năm kinh nghiệm ở vị trí chỉ huy trưởng công trình phân tích thêm, trong hồ sơ thiết kế được duyệt cũng như hồ sơ dự thầu đều thể hiện rõ đất đắp nền K bao nhiêu, được lấy từ các mỏ hợp pháp nào. Ngoài ra, trước khi triển khai san nền, nhà thầu phải trình mẫu đất kèm với pháp lý về nguồn gốc xuất xứ cho bên chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát duyệt. Đồng thời, mẫu đất phải được đưa đi thí nghiệm kiểm tra cho kết quả đạt yêu cầu kỹ thuật thiết kế thì nhầu thầu mới được triển khai thi công san lấp, không có việc san lấp gần xong mà chủ đầu tư chưa nhận hồ sơ chứng minh về xuất xứ nguồn gốc của vật liệu đầu vào.

Theo ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang chịu trách nhiệm triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tuy nhiên, với thực trạng tại công trình cùng cách phối hợp, tiếp nhận, xử lý thông tin về dự án của vị Trưởng Ban chúng tôi xin dành để dư luận và UBND huyện Hòa Vang đánh giá về trách nhiệm trong công việc của ông Nguyễn Bá Tâm, Trưởng ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang.

Võ Hà