Khoáng sản

Quảng Bình sau hơn 10 năm thi hành Luật Khoáng sản:Hiến kế khai thác khoáng sản hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả

Thanh Tùng (lược ghi) 25/05/2023 - 10:34

(TN&MT) - Quá trình tìm hiểu về công tác triển khai thi hành Luật Khoáng sản 2010 tại Quảng Bình, phóng viên đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, thực tế từ các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Đa số các ý kiến cho rằng, Luật đã có những đóng góp quan trọng, giúp phát huy tiềm năng tài nguyên khoáng sản trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần sớm được sửa đổi.

Ông Phan Xuân Tuấn - Trưởng phòng Khoáng sản, KTTV (Sở TN&MT Quảng Bình):

Hoạt động khai thác khoáng sản từng bước đi vào nền nếp

8-9-4-.jpg

Để triển khai có hiệu quả Luật Khoáng sản 2010, Sở TN&MT Quảng Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản; xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt các Quyết định thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản để thực hiện theo cơ chế một cửa trên hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn TCVN ISO 9001, nhằm nâng cao chất lượng và tiến độ giải quyết, đáp ứng kịp thời cho tổ chức và cá nhân khi có nhu cầu giải quyết hồ sơ. Đến nay, lĩnh vực khoáng sản có 11 thủ tục đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện đạt tỷ lệ 50%; tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình về thực hiện Nghị Quyết định số 10-NQ/TW ngày 10/2/2012 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản được thực hiện theo hướng cải cách hành chính; quy trình thẩm định hồ sơ cấp phép chặt chẽ, được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, trước thời gian quy định, hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đã được chấn chỉnh. Các tổ chức, cá nhân đã chấp hành tốt các nội dung ghi trong giấy phép hoạt động khoáng sản, từng bước nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ của mình và ngày một đi vào nền nếp; bảo đảm kỷ cương pháp luật, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Các dự án khai thác khoáng sản đã từng bước đầu tư hạ tầng giao thông, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Qua đó, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập bình quân từ 5-15 triệu đồng/tháng, tăng thu ngân sách cho địa phương, đáp ứng nguồn nguyên vật liệu cho xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Tường - Trưởng phòng TN&MT huyện Lệ Thủy:

Sớm sửa đổi Luật Khoáng sản phù hợp với tình hình thực tiễn

8-9-5-.jpg

Từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 7/2011 đến nay, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã đi vào nền nếp, có sự quản lý chặt chẽ từ các cấp, các ngành và chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trước đó. Luật Khoáng sản ra đời đã tạo công cụ quản lý, là pháp lý để các cơ quan nhà nước cụ thể hóa nhiệm vụ quản lý tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả, tiết kiệm và bền vững.

Tuy nhiên, Luật Khoáng sản 2010 sau thời gian dài thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như chưa quy định phương pháp xác định sản lượng khai thác thực tế gây khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt là đối với cát sỏi lòng sông, đất san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường. Việc quy định lắp đặt trạm cân, cắm mốc trên sông hoặc cắm mốc ký gửi trên bờ đối với giấy phép cát, sỏi lòng sông gây khó khăn cho công tác quản lý phạm vi khai thác của các đơn vị. Việc thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản chưa đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đầu tư nên còn nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện, thời gian thực hiện các thủ tục kéo dài gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, việc quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã, tuy nhiên kinh phí để thực hiện cho công tác này chưa được quan tâm… Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khoáng sản, kỳ vọng Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi Luật Khoáng sản phù hợp với tình hình thực tiễn mới, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ông Hồ Duy Phi - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Tuyên Hóa:

Hoạt động khai thác khoáng sản có bước phát triển mạnh

8-9-6-.jpg

Tuyên Hóa là huyện có tiềm năng về khoáng sản, gồm nhiều loại khoáng sản kim loại như vàng, sắt, vonfram, mangan và một số khoáng sản phi kim loại như cát, sỏi, đá vôi, photphorit, đá phiến sét. Trong những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại địa phương đã có những bước phát triển mạnh, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Có được kết quả đó là do công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo; công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn được tăng cường. Nhận thức về bảo vệ tài nguyên khoáng sản của cán bộ đảng viên và đa số người dân đã được nâng lên. Các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản ngày càng đi vào nền nếp. Việc khai thác khoáng sản đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, khoản 2, Điều 42, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ và khoản 2, Điều 3, Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (trừ hộ kinh doanh) phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu giữ thông tin, số liệu liên quan”. Tuy nhiên, đối với các mỏ khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện hầu hết quy mô nhỏ, bãi tập kết ven sông, ngập lụt hàng năm và chi phí lắp đặt lớn. Do đó, đề nghị có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung này.

Ông Đặng Xuân Huề - Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình:

Đẩy nhanh tiến độ chấp thuận chủ trương cấp phép mỏ

8-9-1-.jpg

Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình là doanh nghiệp khai thác khoáng sản tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình và cả nước, có uy tín trong nước và quốc tế. 11 năm qua, doanh nghiệp luôn nằm trong Top 10 doanh nghiệp nộp ngân sách cao nhất tỉnh Quảng Bình. Ngoài phát triển kinh tế, Công ty cũng rất đề cao trách nhiệm xã hội, luôn quan tâm đến đời sống người lao động, thường xuyên tham gia đóng góp tu sửa, nâng cấp đường sá cho nhân dân địa phương và nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác. Nhờ đó, doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ, ngành Trung ương tặng bằng khen và nhiều giải thưởng cao quý.

Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn do những vướng mắc liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư của tỉnh với 2 mỏ khai thác khoáng sản. Mỏ khai thác titan được Thủ tướng Chính phủ có văn bản phê duyệt năm 2020. Trong văn bản nói rất rõ, giao Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch tổng thể khai thác khoáng sản titan đảm bảo nguồn vật liệu cho 2 nhà máy QB1 và QB2 hoạt động lâu dài; giao Bộ TN&MT cấp phép khảo sát thăm dò cho doanh nghiệp, hoàn thiện thủ tục tiến tới cấp phép khai thác titan. Sau khi tiến hành khảo sát thăm dò, mỏ titan được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thông qua. Theo Luật Khoáng sản, hồ sơ được chuyển về địa phương để làm thủ tục cấp chứng nhận đầu tư. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành hoàn thiện thủ tục theo quy định và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc họp, đến nay mỏ titan vẫn chưa được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư để làm các thủ tục cấp quyền khai thác theo quy định.

Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn sớm được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thanh Tùng (lược ghi)