SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

ĐBQH Hoàng Đức Chính: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có bước tiến rất quan trọng về chất

Khương Trung - Trường Giang (thực hiện) 25/05/2023 - 10:32

(TN&MT) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới đây sau khi tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến nhân dân.

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật lần này, ông Hoàng Đức Chính - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, cần rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn việc quản lý tiết kiệm, hiệu quả, điều tiết giữa nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương; phương pháp, cách thức, trình tự thủ tục tính giá đất; việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi…

3.jpg
Ông Hoàng Đức Chính - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

PV: Xin ông cho biết việc triển khai lấy ý kiến nhân dân tại địa phương về Dự thảo Luật?

Ông Hoàng Đức Chính: Thực hiện Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cùng các Nghị quyết của Chính phủ, công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hòa Bình đã quán triệt và ban hành kế hoạch triển khai, hướng dẫn, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến; chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình, truyền thanh của địa phương để phổ biến, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); chỉ đạo Sở TN&MT, Sở TT&TT đăng tải toàn văn nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình và website của Sở TN&MT kèm theo hướng dẫn về nội dung, cách thức cho ý kiến theo các chương, điều, chuyên đề phù hợp với từng nhóm đối tượng, bảo đảm việc lấy ý kiến là thực chất, hiệu quả, không hình thức.

Việc tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, triển khai một cách toàn diện bằng nhiều hình thức khác nhau như phát thanh, truyền hình trực tiếp; tổ chức hội nghị tập trung với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan; nhiều địa phương triển khai đến thôn, xóm, tổ dân phố, 170 hội nghị, hội thảo tọa đàm về dự án Luật đã được tổ chức trên toàn tỉnh. Kết quả đã nhận được 745 lượt ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân về dự án Luật.

PV: Ông đánh giá thế nào về Dự thảo Luật sau khi Chính phủ đã tiếp thu, giải trình ý kiến các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến nhân dân?

Ông Hoàng Đức Chính: Quá trình lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến nay đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến tập trung vào các vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai, giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhiều nội dung khác. Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và đặc biệt là ý kiến của nhân dân, đánh giá tác động bổ sung đối với những nội dung mới và hoàn thiện Dự thảo Luật.

Dự thảo Luật lần này đã có bước tiến rất quan trọng về chất lượng với nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, giải quyết được các vướng mắc thực tế trong quản lý, sử dụng đất đai.

Trong đó, tiếp tục bổ sung nhiều điểm mới, phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Như: bổ sung chính sách cho thuê đất thương mại dịch vụ theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê, mở rộng hơn các trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê như đất khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao để khuyến khích các dự án sử dụng đất để sản xuất, đất thương mại dịch vụ để hoạt động du lịch nhằm thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Nhà nước, khuyến khích thị trường bất động sản phát triển; bổ sung chính sách Nhà nước thu hồi đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm cả đất xây dựng công trình sự nghiệp công lập và đất xây dựng công trình sự nghiệp ngoài công lập, giải quyết mâu thuẫn giữa chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và chính sách đất đai để xây dựng các cơ sở giáo dục và đào tạo; bổ sung chính sách mới về áp dụng giá đất cụ thể, khắc phục hạn chế vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất hoặc tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất bị chậm tiến độ do phải chờ UBND cấp tỉnh quyết định giá đất đang diễn ra phổ biến trong cả nước. Cùng với đó là nhiều chính sách quan trọng khác.

Bên cạnh việc đã tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, Dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung cần được rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn như việc quản lý tiết kiệm, hiệu quả, điều tiết giữa nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương; phương pháp, cách thức, trình tự thủ tục tính giá đất; việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi… Dự thảo Luật cần tiếp tục được nghiên cứu cho phù hợp, đồng bộ với một số dự thảo luật đang trong quá trình sửa đổi như Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Giá …

dat-16791418200261938980856-1679231367474-16792313681162045727172-0-0-438-700-crop-16792314074751817728152.jpeg
Dự tháo Luật Đất đai (sửa đổi) sau góp ý, tiếp thu đã giải quyết được một số vướng mắc thực tế trong quản lý, sử dụng đất đai

PV: Theo ông, nội dung nào cần tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết 18/NQ-TW?

Ông Hoàng Đức Chính: Dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, bảo đảm thể chế hóa theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Trong đó, cần thể chế hóa các chủ trương về cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất; có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất; cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; quy định về tiêu chí, trường hợp thực hiện đấu giá, đấu thầu, giao đất, cho thuê đất không đấu giá, đấu thầu, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất; nguyên tắc, phương pháp định giá đất; áp dụng bảng giá đất; giá đất cụ thể; thành phần Hội đồng định giá, đảm bảo tính chuyên môn và tính độc lập giữa cơ quan tư vấn, thẩm định và quyết định giá đất; về chế độ sử dụng đất, nhất là các vấn đề mới như đất sử dụng đa mục đích; đất xây dựng công trình ngầm, công trình trên không; đất tôn giáo; đất tín ngưỡng; đất quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, cần quan tâm đến những vấn đề thực tiễn phát sinh đòi hỏi có cơ chế xử lý, vấn đề nhân dân có ý kiến đề xuất cụ thể, cần nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến, làm cơ sở hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội.

PV: Dưới góc độ địa phương, theo ông, cần sửa đổi, bổ sung những nội dung nào để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?

Ông Hoàng Đức Chính: Dưới góc độ thực tế của địa phương miền núi như tỉnh Hòa Bình, tôi cho rằng Dự thảo Luật cần rà soát các quy định đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, quy định cụ thể hơn nữa về bố trí đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, Dự thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về chuyển mục đích sử dụng đất rừng không có rừng sang đất sản xuất; chuyển đổi một phần diện tích đất rừng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sang đất ở để đáp ứng yêu cầu định cư tại chỗ, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng núi cao gặp nhiều khó khăn; bổ sung cơ chế cụ thể đối với đất xen kẹt, đất ruộng trong khu dân cư không đủ điều kiện về diện tích để chuyển đổi.

Ngoài ra, đối với quy định về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường, Dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về các nội dung liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ; quy định về đối tượng nhận khoán đất có nguồn gốc nông lâm trường; cơ chế tài chính trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khương Trung - Trường Giang (thực hiện)