Quảng Ninh đề xuất gỡ vướng khi thi hành Luật Khoáng sản: Sửa đổi quy định trong Nghị định
(TN&MT) - Với tiềm năng, lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc trong ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi thi hành các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản.
Quản lý nhà nước về khoáng sản ngày càng hiệu quả
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, sự phát triển vượt bậc trong ngành công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thể hiện ở việc khai thác than, khai thác chế biến các sản phẩm đất sét nung, đất sét sản xuất xi măng, khai thác sử dụng đá vôi… đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả nước.
Công nghiệp khai khoáng có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp khoảng 32% trong GDP của tỉnh, trong đó công nghiệp khai thác than đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Ngọc Thái Hoàng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ việc thể chế hóa Luật Khoáng sản 2010 và các Nghị định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét.
Công tác xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh đã được cụ thể hóa. Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai lập, thẩm định trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành phương án thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023.
Sở cũng hoàn thiện, trình phê duyệt Đề án khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, đảm bảo thực hiện mục tiêu gắn hoạt động khoáng sản với đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo tồn di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đồng thời, bảo vệ các khu vực chưa khai thác.
Công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật Khoáng sản và các văn bản dưới Luật đã được tỉnh Quảng Ninh quan tâm chú trọng, thường xuyên thực hiện thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, các văn bản hướng dẫn và hướng dẫn trực tiếp khi thực hiện thủ tục hành chính.
Kiến nghị sửa các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản
Mặc dù đạt được những kết quả trên, nhưng tỉnh Quảng Ninh còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc khi thi hành các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản, đặc biệt các quy định liên quan đến khoáng sản đi kèm, đóng cửa mỏ…
Đối với Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh Ngọc Thái Hoàng đề xuất sửa quy định về việc hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản theo hướng việc hoàn trả phí thực hiện sau khi có Giấy phép khai thác, trên cơ sở căn cứ trữ lượng Giấy phép đã được cấp làm căn cứ để tính toán và quy định trong Giấy phép cấp và nộp khi được phê duyệt tiền hoàn trả phí (có quy định trong Giấy phép, trường hợp không nộp theo quy định sẽ thu hồi Giấy phép khai thác).
Lý do, khi đề nghị tính tiền hoàn trả phí, các cơ quan thẩm định yêu cầu phải làm rõ trữ lượng và xin xác nhận trữ lượng đưa vào thiết kế Dự án của Hội đồng đánh giá trữ lượng Quốc gia để làm cơ sở tính, trong khi đó Hồ sơ xin cấp phép chưa được nộp dẫn đến chưa xác nhận được trữ lượng của Hội đồng đánh giá trữ lượng Quốc gia. Do đó, thời gian tính toán xác nhận tính phí hoàn trả kéo dài dẫn đến chậm thời gian nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác, cũng như gia hạn, điều chỉnh Giấy phép.
Ông Ngọc Thái Hoàng đề nghị xem xét sửa đổi khoản 3, Điều 6 của Nghị định số 67/2019/NĐ-CP để phù hợp với thực tế hiện nay tại các mỏ than lộ thiên khai thác xuống sâu. Theo quy định này, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác được xác định trong giới hạn không gian: Chiều rộng tính theo diện tích khai thác; chiều sâu tính từ lộ vỉa đến đáy mỏ. Cách tính toán này dẫn đến bất cập: Đối với các mỏ than lộ thiên khai thác xuống sâu dưới cốt địa hình tự nhiên, mỏ có địa hình khai thác dạng hình nón, khi đó một số mỏ giáp ranh nhau sẽ có chồng lấn về ranh giới khai thác nhưng trên lý thuyết lại không chồng lấn về tài nguyên huy động và thời gian khai thác.
Thực tế, nếu xác định trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác theo Quy định tại Nghị định này sẽ không chính xác do có sự chồng lấn tài nguyên huy động của mỏ khác; phần tài nguyên khu vực biên giới dưới sâu không thể khai thác được bằng phương pháp lộ thiên do giới hạn trên mặt đã đạt đến biên giới kết thúc. Phương pháp tính toán này chỉ đúng khi áp dụng vào các mỏ khai thác đất, đá trên mức cốt địa hình tự nhiên.
Cũng trong Nghị định số 67/2019/NĐ-CP có quy định về xem xét, điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh đề nghị sửa quy định này theo hướng: Trong quá trình khai thác dự án, khi khai thác được trên một nửa thời gian của dự án, trong đó có các đường lò, công trình thăm dò bổ sung… nếu trữ lượng địa chất hao hụt lớn do vỉa mỏng hoặc trữ lượng tăng do cấu tạo vỉa thay đổi, cho phép chủ đầu tư lập Báo cáo tổng hợp địa chất trong Giấy phép đến thời điểm đó, trình Hội đồng trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt lại làm cơ sở điều chỉnh tính tiền cấp quyền. Đồng thời, trên cơ sở Báo cáo địa chất được phê duyệt, chủ đầu tư làm các thủ tục liên quan để điều chỉnh, gia hạn Giấy phép khai thác dự án cho phù hợp.
Đối với Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, ông Ngọc Thái Hoàng đề xuất sửa quy định về phương pháp tính và khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản bởi mới chỉ quy định theo loại khoáng sản, chưa có quy định xác định phí bảo vệ môi trường phải nộp phụ thuộc vào hàm lượng (chất lượng) khoáng sản nguyên khai. Do đó, chưa đảm bảo công bằng về mức phí bảo vệ môi trường phải nộp đối với các loại khoáng sản có hàm lượng thấp, phải qua sàng tuyển, phân loại, làm giàu trước khi tiêu thụ hoặc sử dụng so với các loại khoáng sản có hàm lượng cao, có thể tiêu thụ, sử dụng ngay.