Khoáng sản

Quảng Bình sau hơn 10 năm thi hành Luật Khoáng sản: Thúc đẩy phát triển bền vững tài nguyên khoáng sản

Nguyễn Dũng - Thanh Tùng 25/05/2023 10:28

(TN&MT) - Quảng Bình hiện có 127 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Từ năm 2012 đến nay, hoạt động khoáng sản đã nộp cho ngân sách Nhà nước hơn 433 tỷ đồng. Đây là nguồn tài chính quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều quy định của pháp luật đang gây cản trở quá trình phát triển của ngành kinh tế quan trọng này. Trước thực trạng đó, ngành TN&MT Quảng Bình đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ.

Bộc lộ bất cập

Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình, sau khi Luật Khoáng sản và các văn bản dưới luật được ban hành, Sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 9 quyết định quy phạm pháp luật, 4 chỉ thị, 3 quyết định công bố các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực khoáng sản theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch. Nội dung các văn bản đã cụ thể hóa tình hình thực tiễn của địa phương, nhờ đó, đã tạo hành lang pháp lý cho công tác xây dựng, hoạch định và triển khai các kế hoạch trong lĩnh vực khoáng sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn.

8-9-3-.jpg
Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Bình. Ảnh: Thanh Tùng

Tỉnh Quảng Bình hiện có 16 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp còn hiệu lực, trong đó có 11 mỏ đang khai thác, 1 mỏ đang tạm dừng và 4 mỏ chưa khai thác; 111 giấy phép do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực, trong đó có 95 mỏ đang khai thác, 5 mỏ đang tạm dừng, 5 mỏ chưa khai thác và 6 mỏ đang thực hiện đóng cửa mỏ.

Những năm qua, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thống kê cho thấy, từ năm 2012 đến nay, nguồn thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đạt hơn 433 tỷ đồng. Trong đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 142 tỷ đồng, thuế tài nguyên hơn 179 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường hơn 80 tỷ đồng, tiền thuê đất hơn 30 tỷ đồng. Hoạt động khoáng sản cũng góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 15 triệu đồng/tháng. Các đơn vị hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã dần đi vào nền nếp; trữ lượng đáp ứng được nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh; công tác bảo vệ môi trường được các đơn vị từng bước chú trọng...

Có thể khẳng định, Luật Khoáng sản sau hơn 10 năm thi hành đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành khai thác và chế biến khoáng sản của tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thực tiễn, một số quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ những bất cập, gây khó khăn trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản tại địa phương, cần sớm được tháo gỡ.

Cụ thể, Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định khu vực đấu giá phải là mặt bằng sạch. Luật Đất đai quy định, dự án khai thác mỏ không thuộc đối tượng thu hồi đất mà việc bồi thường theo hình thức thỏa thuận (tài sản trên đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân). Như vậy, khi tổ chức đấu giá xong, đơn vị trúng đấu giá mới triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trường hợp đơn vị không thỏa thuận được để giải phóng mặt bằng thì dự án không triển khai được. Do đó, các khu vực đã trúng đấu giá nhưng tỷ lệ đưa vào khai thác chưa cao, dẫn đến hiệu quả thu được thông qua hoạt động đấu giá khoáng sản đạt thấp.

Một vấn đề khác, theo Sở TN&MT Quảng Bình, việc lập đề án đóng cửa mỏ theo quy định tại Điều 74 Luật Khoáng sản là chưa hợp lý đối với các mỏ khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường. Vì trong hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản đã có dự án cải tạo, phục hồi môi trường và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án đã có phương pháp phục hồi môi trường, chi phí cho công tác phục hồi môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường. Vì vậy, sau khi kết thúc khai thác mỏ, chủ dự án chỉ cần thực hiện theo đúng phương án bảo vệ môi trường của dự án, báo cáo kết quả thực hiện cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, nghiệm thu, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định đóng cửa mỏ chứ không cần thiết phải lập đề án đóng cửa mỏ gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Mặt khác, Luật Đầu tư quy định các trường hợp trúng đấu giá, đấu thầu sẽ không thực hiện chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đối với các trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản hiện nay phải thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư. “Điều này là không phù hợp, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, đối với mỏ đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nếu trúng đấu giá thì số tiền dưới 50 tỷ phải nộp một lần là không công bằng so với mỏ không phải đấu giá (nộp nhiều lần) làm cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án”, đại diện Sở TN&MT Quảng Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về thủ tục hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản quá rườm rà, nhiều thủ tục không cần thiết, gây khó khăn cho nhà đầu tư và tốn kém kinh phí như: cấp phép không qua đấu giá nhưng phải công khai tổ chức nộp hồ sơ đầu tiên trên thông báo đấu thầu và mạng đấu thầu quốc gia có thời hạn 1 tháng; hoặc Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ quy định tất cả các dự án khai thác khoáng sản đều phải đánh giá tác động môi trường là không phù hợp vì có nhiều khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và đất làm vật liệu san lấp có trữ lượng nhỏ và không tác động lớn đến môi trường như các dự án cải tạo vườn tạp của hộ gia đình, cá nhân…

Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật

Trước những tồn tại, bất cập nêu trên, Sở TN&MT Quảng Bình đề nghị Bộ TN&MT xem xét sửa đổi các văn bản thực hiện Luật Khoáng sản theo hướng cần có quy định việc giải phóng mặt bằng sạch trước khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc có quy định trường hợp cấp phép không qua đấu giá đối với khu vực khoáng sản chưa được giải phóng mặt bằng. Quy định việc lắp đặt trạm cân để giám sát là cần thiết nhưng phải tính đến tính đặc thù của một số trường hợp như khai thác cát sỏi lòng sông, san lấp, sét gạch ngói… không có điện lưới và vị trí để lắp đặt. Đồng thời, cần có quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm quản lý trạm cân, hình thức quản lý…

8-9-2-.jpg
Quảng Bình phủ xanh đồi cát sau khai thác khoáng sản tại xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy. Ảnh: Đức Thọ (TTXVN)

Mặt khác, Bộ TN&MT cần quy định theo hướng đơn giản thủ tục hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản, hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản nhằm giảm khó khăn cho nhà đầu tư. Cụ thể, nghiên cứu bỏ thủ tục công khai tổ chức nộp hồ sơ đầu tiên trong thời hạn 1 tháng; bỏ thủ tục hồ sơ phê duyệt đề án đóng cửa mỏ; chỉ quy định các dự án khai thác khoáng sản có công suất trên 50.000m3/năm mới thực hiện đánh giá tác động môi trường, đối với trường hợp dưới 50.000m3/năm chỉ cần lập kế hoạch bảo vệ môi trường là phù hợp.

Bộ TN&MT nghiên cứu sửa đổi quy định nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp trúng đấu giá (nộp nhiều lần) như trường hợp không đấu giá nhằm đảm bảo công bằng, đồng thời giảm khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho các tổ chức trúng đấu giá. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn định mức chi ngân sách cho địa phương để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và kinh phí, phương tiện cho hoạt động kiểm tra, xử lý các vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép.

Nguyễn Dũng - Thanh Tùng