Yên Bái: Người dân cần sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nước
(TN&MT) – Trước tình trạng hạn hán, nắng nóng gay gắt kéo dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước đã ký văn bản 1500/UBND-NLN yêu cầu các đơn vị, địa phương phải chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm hiện nay mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Yên Bái, nền nhiệt độ trung bình tháng 5 và các tháng tiếp theo phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5-1,00C so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-30%.
Dự báo các tháng cuối năm 2023, tình hình thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra tại một số khu vực trong tỉnh. Để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ dân sinh và cho sản xuất, tỉnh Yên Bái đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước tới cho người dân để nâng cao ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động tích trữ và sử dụng nước hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí nước.
Cùng với đó, triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu vực không đảm bảo nguồn nước.
Đồng thời, chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công người theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán; phối hợp với các địa phương rà soát, xác định các vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước trên cơ sở đó hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất cho phù hợp, hạn chế tối đa thiệt hại do hạn hán, thiếu nước.
Đối với các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện việc nạo vét, phát dọn kênh mương, cửa lấy nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, kiểm tra bảo dưỡng các thiết bị đóng mở, kiểm tra mực nước các hồ chứa, tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên trong ao, hồ, sông, suối; bố trí thời gian lấy, cấp nước phù hợp giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn nước, sử dụng nước có hiệu quả, tiết kiệm.