Biến đổi khí hậu

Sơn La: Canh tác thông minh thích ứng biến đổi khí hậu

Nguyễn Nga (thực hiện) 24/05/2023 - 14:44

(TN&MT) - Dưới tác động ngày càng khó lường của biến đổi khí hậu (BĐKH), chủ động thích ứng, đảm bảo an ninh lương thực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La quan tâm chú trọng.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Dương Gia Định – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La.

a1(2).jpg
Ông Dương Gia Định - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La.

PV: Xin ông cho biết những biểu hiện của BĐKH gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua? Điều này có tác động gì đến đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn?

Ông Dương Gia Định:  Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng như toàn vùng miền núi phía Bắc là một trong những nơi chịu ảnh hưởng của BĐKH.

Biểu hiện rõ nhất là nhiệt độ có xu hướng nóng lên, lượng mưa trung bình hàng năm có xu hướng giảm; thông số nhiệt độ đều tăng lên cả mùa đông và mùa hè; hạn hán xuất hiện thường xuyên và kéo dài hơn trong mùa khô; số ngày rét đậm có xu hướng giảm nhưng xuất hiện những đợt rét bất thường; hiện tượng sương muối, băng giá ngày càng xuất hiện thường xuyên...

Những biểu hiện này có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, phát triển bền vững, tăng nguy cơ tái nghèo, nhất là tại khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, giữ ổn định và tăng năng suất cây trồng trước tác động của BĐKH nhằm bảo đảm an ninh lương thực đang là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

PV: Được biết, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều mô hình canh tác thông minh thích ứng BĐKH. Ông có thể thông tin rõ hơn về kết quả một số mô hình đã thực hiện đạt hiệu quả?

Ông Dương Gia Định: Nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH là một trong các cách thực hành nông nghiệp được cho là có thể thích ứng với sự thay đổi của khí hậu, thông qua áp dụng các biện pháp kỹ thuật có tính đến sự phù hợp với đặc điểm tự nhiên và điều kiện sinh thái cây trồng. Tại Sơn La, việc phát triển các mô hình canh tác thông minh thích ứng với BĐKH đang ngày càng phổ biến, đạt hiệu quả cả về mặt kinh tế - môi trường.

mo-hinh-cay-lua-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-car-.jpg
Mô hình cấy lúa thích ứng BĐKH được triển khai tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Trong giai đoạn 2018-2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn bền vững triển khai các mô hình canh tác lúa thông minh, phục tráng giống lúa nếp bản địa, canh tác cà phê, khoai sọ bền vững thích ứng BĐKH tại 4 xã Chiềng Pha, Nậm Lầu, Bon Phặng, Muổi Nọi huyện Thuận Châu.

Quá trình triển khai, giúp người dân có được sản phẩm sạch an toàn, chất lượng, năng suất cây trồng tăng từ 15-25%, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 40-60%, lượng phân bón có nguồn gốc hóa học giảm 20-50%, công lao động giảm 30% , tỷ lệ thiên địch trên đồng ruộng cao trên 30%.

Đồng thời, nâng cao kiến thức cho người dân về các biện pháp sản xuất để thích ứng, giảm nhẹ BĐKH trong sản xuất nông nghiệp, phòng trừ sâu bệnh hại.

Cùng với đó, đã xây dựng mô hình thâm canh xoài rải vụ 9 ha trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu, khắc phục được tình trạng sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, tìm đầu ra cho sản phẩm dễ dàng hơn.

Mô hình ứng dụng IPM kết hợp kỹ thuật canh tác trên cây xoài, nhãn, cam, quýt thực hiện với quy mô 15ha tại các huyện Mường La, Yên Châu, Sốp Cộp, Phù Yên, Sông Mã, Thuận Châu.

Kết quả mô hình đã làm thay đổi nhận thức của người dân tăng cường sử dụng các sản phẩm hữu cơ vi sinh giúp cải tạo đất; hạn chế ô nhiễm môi trường do sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng bao quả giúp môi trường sinh thái trong ruộng, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Mô hình tái canh cà phê theo Đề án Phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường tại xã Muỗi Nọi huyện Thuận Châu và xã Chiềng Mai huyện Mai Sơn. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tập huấn kỹ thuật, quy trình trồng tái canh cà phê, ghép cải tạo cho 90 nông dân của 2 xã vùng Dự án.

mo-hinh-trinh-dien-khoai-so-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau.jpg
Mô hình trình diễn khoai sọ thích ứng BĐKH trên địa bàn xã Nậm Lầu, Chiềng Pha, huyện Thuận Châu.

Đến nay, toàn tỉnh đã áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 187ha lúa, bưởi, sơn tra, rau, chè; 132 cơ sở trồng trọt với tổng diện tích hơn 2.700 ha, sản lượng trên 43.500tấn/năm áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP. Trên 18.500h diện tích cà phê được các tổ chức cấp chứng nhận bền vững và tương đương, trong đó: Tổ chức RA cấp chứng nhận cho sản xuất sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn RA cho hơn 12.000ha; 6.200ha theo tiêu chuẩn 4C.

PV: Xin ông cho biết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các mô hình trên địa bàn tỉnh?

Ông Dương Gia Định: Một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là nhận thức về bảo vệ môi trường, BĐKH của một số bộ phận người dân chưa cao, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số khu vực, bà con nông dân vẫn giữ phong tục, tập quán và thói quen sản xuất cũ như đốt nương, sử dụng thuốc trừ cỏ, phân bón hóa học….

Điều kiện kinh tế của đại đa số nông dân trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, người dân chưa dám đầu tư các ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến như hệ thống tưới nhỏ giọt, xây dựng nhà lưới...  

Đặc biệt, việc canh tác nông nghiệp thích ứng với BĐKH trong những năm đầu đòi hỏi chí phí đầu tư cao hơn, trong khi sản phẩm bán ra chưa ổn định nên người dân còn băn khoăn, chưa muốn áp dụng.

a4(1).jpg
Qua triển khai các mô hình nông nghiệp thích ứng BĐKH, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả, bền vững.

PV: Nhằm giảm thiểu, chủ động ứng phó BĐKH, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, Sơn La sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm nào trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới, thưa ông?

Ông Dương Gia Định: Hướng tới nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng BĐKH, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra theo Chiến lược quốc gia về BĐKH trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH, các giải pháp để hạn chế BĐKH; hướng dẫn cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng tuân thủ đúng nguyên tắc để đạt hiệu quả cao, ít gây ảnh hưởng đến môi trường.

Tiếp tục xây dựng các mô hình canh tác nông nghiệp thích ứng BĐKH; nhân rộng các mô hình canh tác theo phương pháp bền vững như trồng xen, luân canh các loại cây trồng, nông lâm kết hợp; áp dụng các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc.

Đưa vào khảo nghiệm, sản xuất thử, lựa chọn các loại giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, giống rải vụ, giống để cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến quả, giống cho năng suất sản lượng cao. Nghiên cứu phục tráng, bảo tồn và nhân giống cây trồng địa phương cho năng suất, sản lượng cao, thích ứng với các điều kiện tiểu vùng khí hậu khác nhau.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp trong chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nhiệp, xúc tiến tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, hướng tới thị trường xuất khẩu sang các nước khác trên thế giớ. Góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

Nguyễn Nga (thực hiện)