Thế giới

Động vật hoang dã biến mất nhanh chóng, báo động về thời kỳ đại tuyệt chủng thứ 6

Theo TTXVN 24/05/2023 - 10:44

Tốc độ biến mất của động vật hoang dã trên toàn cầu là đáng báo động hơn so với dự tính trước đây khi gần một nửa số loài trên hành tinh đang sụt giảm số lượng nhanh chóng.

Chú thích ảnh
Các loài lưỡng cư, chặng hạn như ếch thủy tinh ở Panama, đang chứng kiến số lượng cá thể sụt giảm nhanh chóng. Ảnh: EPA

Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Đánh giá sinh học hôm 22/5, con người đã xóa sổ một số lượng lớn các loài và đẩy nhiều loài khác đến bờ vực tuyệt chủng. Điều này đã khiến một số nhà khoa học cho rằng chúng ta đang bước vào sự kiện “tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu”, và lần này là do con người gây ra.

Nguyên nhân chính đằng sau đó chính là hành vi phá hủy môi trường hoang dã để xây dựng các trang trại, thị trấn, thành phố và đường xá. Nhưng biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến sự suy giảm của các loài và được dự đoán sẽ gây ra tác động ngày càng tồi tệ hơn khi thế giới ấm lên.

Các tác giả của nghiên cứu đã phân tích hơn 70.000 loài trên toàn cầu – gồm động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá và côn trùng – để tìm hiểu xem quần thể của chúng đang phát triển, thu hẹp hay duy trì ổn định theo thời gian.

Họ nhận thấy 48% các loài này đang suy giảm về số lượng, với chưa đầy 3% có sự gia tăng.
Đồng tác giả Daniel Pincheira-Donoso, nhà nghiên cứu tại Trường Khoa học Sinh học tại Đại học Queen's Belfast, cho biết phát hiện của họ đóng vai trò là một cảnh báo quyết liệt.

Ông nói với CNN: “Các nghiên cứu khác, dựa trên số lượng loài nhỏ hơn đáng kể, đã chỉ ra rằng 'cuộc khủng hoảng tuyệt chủng' đang diễn ra nghiêm trọng hơn mức đánh giá chung. Phát hiện của chúng tôi cung cấp một xác nhận rõ ràng trên quy mô toàn cầu về mức độ xói của đa dạng sinh học”.

Ông Pincheira-Donoso cho biết trong nhiều thập kỷ, cuộc khủng hoảng tuyệt chủng đã được xác định bởi “các hạng mục bảo tồn” mà Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), gán cho từng loài mà họ đánh giá tại một thời điểm nhất định.

Dựa trên phương pháp đó, Danh sách đỏ các loài bị đe dọa của IUCN đã xếp hạng khoảng 28% các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Chú thích ảnh
Cá voi mẹ và cá voi con ở Bắc Đại Tây Dương. Ảnh: AP

Ông Pincheira-Donoso cho biết nghiên cứu của ông và các đồng nghiệ không nhằm chỉ ra các loài đang bị đe dọa hay không, mà thay vào đó, liệu quy mô quần thể của chúng có đang trở nên ngày càng nhỏ hơn hay không. Xu hướng giảm dân số theo thời gian là tiền thân của sự tuyệt chủng.

Theo đánh giá này, 33% các loài hiện được phân loại là “không bị đe dọa” trong Sách đỏ của IUCN trên thực tế đang suy giảm dần tới mức tuyệt chủng.

Báo cáo cho thấy các loài động vật có vú, chim và côn trùng đều đang chứng kiến sự suy giảm của các loài, nhưng nhìn chung, động vật lưỡng cư đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề và đang phải đối mặt với vô số mối đe dọa, bao gồm cả bệnh tật và biến đổi khí hậu.

Báo cáo cho thấy về mặt địa lý, sự suy giảm có xu hướng tập trung ở vùng nhiệt đới. Một lý do cho điều đó là động vật ở vùng nhiệt đới nhạy cảm hơn với những thay đổi nhanh chóng về nhiệt độ môi trường của chúng.

Giáo sư khoa học bảo tồn Brendan Godley tại Đại học Exeter, người không tham gia nghiên cứu, cho biết phát hiện trên cung cấp những hiểu biết mới về xu hướng dân số.

“Đây là một nghiên cứu cực kỳ có tác động, bao trùm toàn cầu và tất cả các nhóm động vật có xương sống và côn trùng”, ông Godley nhận xét. 

Theo ông, bằng cách kết hợp cẩn thận các quỹ đạo dân số, nó nhấn mạnh mức độ áp lực mà động vật hoang dã phải chịu từ ảnh hưởng của con người và điều này diễn ra trên toàn cầu cũng như giữa các nhóm động vật như thế nào.

Ông nói thêm rằng đã có những ví dụ tích cực về các loài động vật được đưa trở lại từ bờ vực tuyệt chủng như cá voi lớn và rùa biển.

Nhưng ông Brendan Godley tin rằng tất cả chúng ta nên rất lo lắng về những chỉ số trên. Bởi lẽ, nếu không có quần thể, loài, môi trường sống và hệ sinh thái phát triển mạnh, chúng ta không thể tồn tại.

Theo TTXVN