Xã hội

Phong Điền (Cần Thơ): Gắn tiêu chí môi trường với giảm nghèo bền vững

Lê Hùng 20/05/2023 14:48

(TN&MT) - Trong thời gian qua, ngoài việc tập trung phát triển kinh tế để nâng cao mức sống của người dân địa phương, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) còn tập trung cải thiện chất lượng môi trường sống, từ đó góp phần giúp địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí, nhất là tiêu chí môi trường để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao vào cuối năm 2023.

a1-pd.jpg
Đoàn viên thanh niên và người dân địa phương cùng tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường

Triển khai nhiều mô hình hay

Huyện Phong Điền là đơn vị cấp huyện đầu tiên của TP. Cần Thơ được công nhận huyện NTM vào năm 2015. Sau gần 8 năm về đích NTM, diện mạo trung tâm huyện Phong Điền và các xã, thị trấn trực thuộc đang từng ngày đổi thay; đời sống, vật chất của người dân không ngừng nâng lên; cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Sau khi hoàn thành xây dựng NTM, huyện Phong Điền đã bắt tay ngay vào xây dựng huyện NTM nâng cao hướng đến NTM kiểu mẫu. Huyện Phong Điền cũng đang đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành các tiêu chí để được công nhận huyện NTM nâng cao. Để hiện thực mục tiêu này, huyện Phong Điền đã và đang tập trung huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, môi trường,… theo Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Xác định môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM nâng cao, huyện Phong Điền luôn chú trọng triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân; phát động phong trào vệ sinh môi trường, phân loại rác thải, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật…, góp phần tạo diện mạo sáng, xanh, sạch, đẹp trên các tuyến đường, khu trung tâm, khu dân cư.

Huyện Phong Điền còn triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình về bảo vệ môi trường như: thu gom, phân loại xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp ủ phân compost; thu gom, lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong sản xuất nông nghiệp; dùng túi xách nhựa khi đi chợ thay cho túi, bọc ni lông; đồng thời, vận động hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh hạn chế dùng hộp xốp, ly, ống hút nhựa, khuyến khích sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường.

“Thông qua các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn, đã góp phần nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn nguy hại. Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đều nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; đặc biệt, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng ngày càng nâng lên, từ đó góp phần giúp huyện Phong Điền củng cố, nâng chất bền vững tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, hướng đến NTM kiểu mẫu” - ông Nguyễn Văn Thắng phấn khởi cho biết.

a2-pd.jpg
Nhờ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đã giúp nhiều người dân cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo

Hướng tới giảm nghèo bền vững

Lãnh đạo UBND huyện Phong Điền cho hay: Cùng với việc triển khai các giải pháp để củng cố nâng chất bền vững tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, huyện Phong Điền cũng đang tập trung triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho người dân về vốn sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập, đặc biệt là những hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Hiện tại, huyện Phong Điền có tổng cộng 184 hộ nghèo. Để giúp các hộ dân này sớm thoát nghèo, huyện Phong Điền đã tích cực hỗ trợ người dân vốn sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn người dân chuyển đổi các mô hình phát triển nông nghiệp vừa thích ứng hiệu quả với điều kiện thời tiết, nguồn nước, vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Chính từ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và nỗ lực, quyết tâm thoát nghèo của các hộ dân mà đến cuối năm 2022 đã có 92 hộ dân thoát nghèo; đồng thời, trong năm 2022 trên địa bàn huyện không có hộ dân nào tái nghèo.

Đề cập đến mục tiêu giảm nghèo trong năm 2023, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền cho biết: Tính đến đầu năm 2023, huyện Phong Điền còn 92 hộ nghèo và 610 hộ cận nghèo. Huyện Phong Điền phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ kéo giảm số hộ nghèo xuống còn 62 hộ; đồng thời, giảm dần số hộ cận nghèo và kiên quyết không để xảy ra tình trạng tái nghèo.

Theo ông Lê Thanh Tùng, để làm được điều này, từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài việc tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân nỗ lực, cố gắng phát triển kinh tế để sớm thoát nghèo; huyện Phong Điền còn hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với các ngồn vốn vay ưu đãi; hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp, đất vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu của thị trường góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ngoài việc hỗ trợ người dân chuyển đổi các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, huyện Phong Điền còn quan tâm, tạo điều kiện, nhất là những hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch đảm bảo chất lượng sống. Ông Phạm Văn Công (xã Trường Long, huyện Phong Điền) chia sẻ: Mới đây, địa phương đã hỗ trợ gia đình tôi tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Với gần 10 triệu đồng vốn vay ưu đãi này, gia đình tôi đã đầu tư làm đường ống dẫn nước sạch về sử dụng; đồng thời, gia đình tôi còn xây thêm bể lưu chứa nước mưa để dự phòng dùng trong những tháng khô hạn thiếu nước...

Lê Hùng