Kinh tế

Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Cần điều chỉnh phù hợp với những ngành đặc thù

Ngọc Châu 23/05/2023 - 14:20

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Các vấn đề liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, phạm vi đấu thầu, những tác động khách quan, đối tượng điều chỉnh liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cân nhắc phân cấp các gói thầu

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sau nhiều lần tiếp thu, giải trình dựa trên những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp, đông đảo quần chúng nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều về đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu là DNNN. Trong đó nổi lên 2 phương án:

Thứ nhất, theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ quy định các dự án đầu tư của DNNN thuộc đối tượng phải đấu thầu, bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như luật hiện hành.

Thứ hai là Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét thêm phương án mở rộng đối tượng so với Chính phủ, bao gồm công ty con sở hữu 100% vốn của DNNN và công ty con sở hữu 50% vốn của DNNN.

cac-khach-moi-trong-chuong-trinh-toa-dam-1-.jpg
Tại Tọa đàm trực tuyến “Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và tác động đối với doanh nghiệp”, nhiều đại biểu đã có những đóng góp rất thiết thực về tác động của Luật đối với các đối tượng áp dụng, đặc biệt là các DNNN

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, phương án Chính phủ trình áp dụng DNNN có 2 chủ thể được áp dụng, doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% và DNNN sở hữu trên 50% vốn. Còn với phương án 2, chủ thể được áp dụng sẽ mở rộng thành 4 nhóm đối tượng doanh nghiệp. Đây là một bài toán cần hết sức cân nhắc, vì nếu chiếu vào cơ sở pháp lý thì chỉ áp dụng 1 cơ chế đấu thầu cho nhiều loại doanh nghiệp có cấp độ và mức độ sở hữu khác nhau sẽ không phù hợp chủ trương đường lối và pháp luật.

Xét trên tính thực tiễn, khi doanh nghiệp có sở hữu hỗn hợp có mong muốn thiết kế quy chế nội bộ đấu thầu để bảo vệ chính lợi ích nhà đầu tư, ngăn chặn nguy cơ nội bộ lạm dụng đấu thầu ảnh hưởng đến công ty, nhưng quy chế đấu thầu lại phụ thuộc vào quy mô, tính chất doanh nghiệp mới thiết kế được quy chế đấu thầu cạnh tranh. Về mặt lợi ích, trong nhiều trường hợp, ví dụ công ty con có sở hữu 50% vốn của 1 DNNN mà Nhà nước chỉ sở hữu 50% vốn thì lợi ích của Nhà nước và tư nhân bằng nhau. Nếu can thiệp cứng sẽ ảnh hưởng lớn đến sự nhanh nhạy, quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, không phù hợp thực tiễn kinh doanh.

“Tôi nghĩ không nên mở rộng áp dụng đối với công ty con của DNNN. Nếu mở rông thêm Luật Đấu thầu, trong trường hợp cần thiết, có thể mở rộng với công ty con có 100% vốn sở hữu của DNNN mà DNNN sở hữu 100% vốn (100 của 100). Cùng với đó mở rộng cả về chủ trương, cơ sở, đường lối, hệ thống pháp luật” - ông Phan Đức Hiếu đề xuất.

02-1-.jpg

Còn theo ThS. Đoàn Văn Thuần, Chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam, dự án của các ngành nghề, lĩnh vực đều khác nhau, các dự án dầu khí cũng vậy. Mỗi dự án, hợp đồng dầu khí đều có quy chế đấu thầu riêng, đảm bảo minh bạch, tự chủ, mỗi dự án có những quy định không hoàn toàn giống nhau. ThS. Đoàn Văn Thuần cho rằng, nếu không trao quyền tự chủ cho những người điều hành hay các nhà thầu theo các quy định của pháp luật chung về đấu thầu thì sẽ phát sinh nhiều vướng mắc. “Tôi đồng tình với quan điểm chỉ xem xét mở rộng đối tượng áp dụng với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoặc xem xét đến doanh nghiệp có sử dụng vốn của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước”.

Lưu ý đến đặc thù của mỗi ngành nghề, lĩnh vực

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Linh cho rằng, cần phải đặc thù hóa việc đấu thầu đối với từng ngành nghề. Ví dụ rõ nhất trong thời gian vừa qua trong lĩnh vực y tế, rất nhiều bệnh viện lớn gặp vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc men, vật tư y tế. Có một trường hợp một công ty có 51% vốn Nhà nước, 49% vốn của một cá nhân. Cá nhân này đã vi phạm về việc đấu thầu vì cho rằng mình có đến 49% vốn thì việc quyết định bỏ vốn của mình để tham gia đấu thầu mua sắm hàng hóa là có cơ sở. Chính vì vậy, nhiều trường hợp doanh nghiệp có 51% vốn Nhà nước cũng coi là DNNN sẽ gây ra nhiều bất cập, vì theo tính chất công ty cổ phần coi Nhà nước trong các doanh nghiệp góp vốn ít là một cổ đông có quyền tương đương với các cổ đông khác như Luật Doanh nghiệp đã quy định.

Đồng quan điểm, TS. Phan Ngọc Trung, nguyên Thành viên HĐTV Petrovietnam, Trưởng ban Tư vấn - Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, hoạt động dầu khí (tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí, thu dọn công trình dầu khí) là các hoạt động có tính đặc thù và nhiều rủi ro (về địa chất, an toàn môi trường, biến động thị trường, công nghệ, địa chính trị…) nên việc quản lý và vận hành sẽ phát sinh những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát, khó lường trước được. Nếu áp dụng các quy định trong Dự thảo Luật đấu thầu thì sẽ gây khó cho các doanh nghiệp như Petrovietnam, PVEP, Vietsovpetro… cũng như các Bộ, ngành, cơ quan quản lý khi đưa ra các quyết định bởi có nhiều vấn đề chuyên môn đặc thù cần nghiên cứu sâu.

TS. Phan Ngọc Trung nhấn mạnh: Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần lưu ý đến từng đặc thù của mỗi ngành nghề để có các quy định, cơ chế phù hợp. Trong văn bản góp ý cho Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Petrovietnam cũng đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung nêu tại khoản 2, Điều 3 của Dự thảo Luật Đấu thầu theo hướng: Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí tiếp tục được thực hiện theo quy định của pháp luật dầu khí (bao gồm Luật Dầu khí và các văn bản dưới luật) với các dẫn chứng cụ thể về chuyên ngành để đảm bảo công tác quản lý, giám sát việc triển khai hoạt động dầu khí hiệu quả.

01-1-.jpg
Hoạt động dầu khí là các hoạt động có tính đặc thù và nhiều rủi ro

Theo ông Phan Đức Hiếu, trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần bổ sung các quy định trong Điều 3 để đảm bảo sự tương thích giữa các luật, đặc biệt là việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí. Cũng như phải dẫn chiếu một số nội dung để làm rõ hơn điều này phù hợp với Luật Dầu khí năm 2022.

Ngọc Châu