Xã hội

Quảng Ngãi: Mới đầu mùa khô đã lo thiếu nước

Bài, ảnh: Võ Hà 25/06/2021 22:17

(TN&MT) - Dù mới bước vào đầu mùa khô nhưng nhiều huyện miền núi ở tỉnh Quảng Ngãi đã thiếu nước trầm trọng. Bên cạnh nguyên nhân khô hạn thì tình trạng các công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng, không thể sử dụng được cũng kiến việc thiếu nước trở nên gay gắt hơn.

thieunuoc1.jpg
Người dân miền núi Quảng Ngãi chủ yếu sử dụng dây dẫn nước từ rừng về nhà

Mới bước vào những ngày nắng nóng đầu mùa, nhưng hàng chục hộ dân ở thôn Tre, xã Trà Tây, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã bắt đầu những ngày khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Các hộ dân có nhà trên dốc cao phải dùng can nhựa xuống những nhà phía dưới, gần đường lớn để xin nước về dùng. Lượng nước lấy về chỉ dám dùng cho ăn uống, còn tắm giặt thì lại ra sông suối.

Anh Hồ Văn Thuyền, thôn Tre, xã Trà Tây cho biết: Hàng ngày, anh phải dậy từ 3-4h sáng đi lấy nước ở thôn lân cận về ăn uống. “Mấy ngày qua, trời có mưa dông vào buổi chiều, nên mọi người tranh thủ lấy xô, chậu ra hứng nước để dùng chứ không mưa là không có nước để dùng.”- anh Thuyền lo lắng.

Bà Hồ Thị Vi Na, Bí thư Đảng uỷ xã Trà Tây, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến suối, khe trơ đáy, nước sinh hoạt cho người dân khan hiếm, nước để tưới tiêu càng không có. Hiện tình trạng thiếu nước xảy ra ở 7 thôn trên địa bàn xã, trầm trọng nhất là ở thôn Tây, thôn Tre và một số tổ ở thôn Xanh.

Cũng theo bà Na, nhiều năm nay, việc người dân trồng keo quá nhiều đã khiến nguồn nước ngầm bị cạn kiệt dần. Cứ vào mùa hè lại xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ ở địa phương. Vì thế, bảo vệ rừng cần được tuyên truyền là giải pháp hữu hiệu nhất trong việc duy trì nguồn nước ngầm.

thieunuoc2.jpg
Thiếu nước, người dân phải chắt chiu, tiết kiệm.

“Sau đợt mưa lũ năm ngoái, xã đã trích kinh phí khắc phục thiên tai để sửa đường ống nước đưa nước từ hệ thống nước sạch của hồ Nước Trong về bể tập trung ở các khu dân cư. Tuy nhiên do ý thức sử dụng của bà con chưa cao, mạnh ai nấy kéo, gây lãnh phí nên mới đầu mùa khô đã xảy ra thiếu nước. So với năm ngoái, mùa khô sẽ trầm trọng hơn. Cách đây mấy ngày trên địa bàn có mưa nên đã một số bà con cũng đã tranh thủ trữ nước”- bà Na cho hay.

Mà không chỉ riêng Trà Bồng, thiếu nước cũng trở thành nỗi ám ảnh bao trùm nhiều địa phương miền núi của Quảng Ngãi như Ba Tơ, Minh Long… Công trình cấp nước hư hỏng do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, nguồn nước cũng suy giảm từ hệ luỵ trồng keo, người dân buộc phải dè sẻn, tích trữ nước để dùng.

Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Ngãi có khoảng 400 công trình nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên chỉ có một số ít hoạt động bền vững, còn lại hầu hết là công trình hoạt động trung bình, không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang không hoạt động.

Trước tình hình thiếu hụt nghiêm trọng nước sinh hoạt, nhiều đơn vị, địa phương ở miền núi cũng đã tính toán, lên phương án đào, khoan giếng để lấy nước ngầm. Tuy nhiên, việc khảo sát, tìm kiếm địa điểm cũng gặp không ít khó khăn do địa chất nhiều đá núi, mạch nước ngầm suy giảm, không đủ cung cấp. Phương án phổ biến nhất vẫn là tìm khe suối đầu nguồn, sau đó dẫn nước về bằng đường ống tự chảy. Người dân cho biết, cái khó là đường ống thường xuyên bị tắc nghẽn sau mỗi trận mưa, chưa kể ống bị vỡ, bồi lấp, cuốn trôi…

Không riêng gì tỉnh Quảng Ngãi, những ngày này, nhiều huyện vùng cao các tỉnh miền Trung cũng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đáng nói là, nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình nước sạch nhưng hầu hết bị hư hỏng đã đẩy bà con vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nhất là trong thời điểm khô hạn như hiện nay.

Bài, ảnh: Võ Hà