Thế giới

Ấn Độ ra mắt loại hình bảo hiểm nắng nóng đầu tiên thế giới: Phao cứu sinh cho người nghèo

Mai Đan 21/05/2023 - 17:20

(TN&MT) - Trung tâm phục hồi thuộc quỹ Arsht-Rock, một tổ chức từ thiện ở Mỹ vừa hợp tác với công ty khởi nghiệp bảo hiểm vi mô Blue Marble và Hiệp hội phụ nữ tự doanh (SEWA) ở bang Gujarat (Ấn Độ) ra mắt chương trình bảo hiểm nắng nóng đầu tiên trên thế giới trong tháng 5. Arsht-Rock là đơn vị trang trải phí bảo hiểm 10,3 USD cho mỗi người tham gia chương trình.

heat_770.jpg
Phụ nữ tránh nắng tại một công trường ở thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Đây là hình thức bảo hiểm tham số hỗ trợ thảm họa thiên nhiên đang được triển khai nhanh chóng ở các nước đang phát triển, nơi các cộng đồng dễ bị tổn thương trước các biến cố thời tiết cực đoan hạn hán, bão và sóng nhiệt ngày càng trầm trọng.

Bảo hiểm thời tiết dựa trên tham số, bao gồm bảo hiểm nắng nóng, là chính sách bảo hiểm chi trả bồi thường khi chỉ số của một sự kiện thời tiết như nhiệt độ, lượng mưa, tốc độ gió… vượt quá một ngưỡng xác định trước. Loại hình bảo hiểm này đang trở thành phao cứu sinh cho người lao động nghèo ở một số nước đang phát triển chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ tăng cao, người tham gia bảo hiểm được chi trả

Cuộc sống của những người lao động nghèo ở Ấn Độ đang khó khăn hơn do biến đổi khí hậu không ngừng đẩy nhiệt độ ở nước này lên cao trong mùa hè vốn đã khắc nghiệt. Trường hợp bà mẹ Kamlaben Ashokbhai Patni, 56 tuổi cùng 4 người con, tại thành phố Ahmedabad, đông dân nhất bang Gujarat miền Tây Ấn Độ, là nạn nhân điển hình của nắng nóng.

Trong một ngày gần đây, ánh nắng mặt trời chói chang chiếu xuống khu chợ rộng lớn ở thành phố Ahmedabad, nơi bà Patni ngồi bán đồ trang sức bằng hợp kim đồng và kẽm. Bà lo lắng thời tiết sẽ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh vì khi nhiệt độ tăng, các món đồ trang sức kim loại sẽ xỉn màu và các viên ngọc bằng nhựa sẽ bong keo.

Biến đổi khí hậu đã đẩy nhiệt độ ở thành phố lên mức kỷ lục 48 độ C vào năm 2016 và nhiệt độ cao nhất vào năm ngoái là gần 46 độ C. Nhiệt độ tăng cao sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh doanh. Bà Patni chia sẻ: "Thời tiết nóng hơn sẽ khiến màu của trang sức bắt đầu xỉn tối, khiến chúng trở nên vô giá trị và giống như đồ bỏ đi”.

Tuy nhiên, bà Patni là một trong số 21.000 phụ nữ kinh doanh tự do ở bang Gujarat vừa đăng ký tham gia một trong những chương trình bảo hiểm nắng nóng đầu tiên trên thế giới. Tham gia chương trình bảo hiểm này, nếu nhiệt độ tăng vượt mức trung bình trong lịch sử và kéo dài liên tục trong 3 ngày, bà Patni sẽ nhận được một khoản thanh toán nhỏ để ứng phó với nắng nóng và bù đắp thu nhập bị mất mát. Chính sách cho phép thanh toán nhiều lần, nhưng tối đa là 85 USD.    

Trong khi bảo hiểm truyền thống có thể mất hàng tháng để thanh toán, nhưng với bảo hiểm "tham số", người tham gia bảo hiểm không cần phải chứng minh tổn thất và có thể thanh toán trong vòng vài ngày kể từ khi nhiệt độ đạt đến ngưỡng kích hoạt bồi thường.

Các khoản thanh toán bảo hiểm này giúp người lao động nghèo mua những đồ dùng như găng tay để bảo vệ tay khỏi các dụng cụ kim loại nóng như thiêu đốt, mua quạt để giữ mát và tránh kiệt sức vì nóng, hay mua thuốc để giảm đau đầu do nắng nóng hoặc mua thức ăn cho gia đình…

“Ưu điểm của bảo hiểm tham số là thanh toán rất nhanh và linh hoạt, nhưng chính sách bảo hiểm này cần được kết hợp với các hành động hoặc công cụ giúp giảm thiểu rủi ro”, bà Kathy Baughman McLeod, Giám đốc Trung tâm phục hồi của quỹ Arsht-Rock đánh giá.

Hoài nghi về tính khả thi

Mặc dù bảo hiểm tham số giúp người tham gia bảo hiểm nhanh chóng nhận được bồi thường khi nắng nóng tăng cao nhưng tính khả thi của nó về mặt tài chính trong thời gian dài vẫn là một dấu hỏi.

Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss RE (Thụy Sĩ) cho biết doanh số bán sản phẩm bảo hiểm tham số tăng 40% trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 8/2022. Nhóm nhà phân tích bảo hiểm của Allied Market Research ước tính thị trường bảo hiểm tham số có thể đạt 29,3 tỉ USD vào năm 2031, tăng cao so với 11,7 tỉ USD vào năm 2021.

Tại hội nghị thường niên của Các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập vào cuối năm 2022, các tổ chức phi lợi nhuận đã kêu gọi các quốc gia giàu có hỗ trợ tài chính cho chương trình bảo hiểm tham số như cách chi trả thiệt hại khí hậu cho người dân ở các nước nghèo.

Bà Ekhosuehi Iyahen, Tổng thư ký của Diễn đàn Phát triển bảo hiểm, một tổ chức vận động chính sách bảo hiểm phi truyền thống cho rằng bảo hiểm dựa vào tham số vẫn còn là một thị trường ngách nhưng đang phát triển nhanh.

Trong khi đó, một số chuyên gia trong ngành đặt câu hỏi liệu các sản phẩm bảo hiểm này có khả thi về mặt tài chính trong thời gian dài hay không, một phần là do các khoản thanh toán quá thường xuyên do rủi ro khí hậu leo thang nhanh hơn so với dự đoán cách đây chưa đầy một thập kỷ. Điều này có thể làm tăng phí bảo hiểm.

Một số chương trình bảo hiểm như vậy đã sụp đổ. Chẳng hạn, Chương trình bảo hiểm giá súc ở Kenya đã hỗ trợ những người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi hạn hán với khoản thanh toán bồi thường tổng cộng 1,2 tỉ shilling Kenya (8,8 triệu USD) trong giai đoạn 2015-2021. Tuy nhiên, chương trình này chỉ thu được 1,1 tỷ shilling (8,1 triệu USD) từ phí bảo hiểm, dẫn đến hoạt động thua lỗ và đã được thay thế trong năm nay bằng một sản phẩm khác cung cấp các sản phẩm tiết kiệm tài chính khác bên cạnh chính sách bảo hiểm.

Hiện tại, các chương trình bảo hiểm ở các nước đang phát triển phần lớn được trợ cấp bởi các nhóm phi lợi nhuận, chính phủ quốc gia hoặc các nước giàu.

Các chuyên gia phân tích trong ngành bảo hiểm cho rằng một cách để tránh các khoản thanh toán liên tục là các chính phủ thực hiện nhiều chiến lược tốt hơn để chống lại những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ví dụ bằng cách trồng các loại cây có khả năng chống chịu hạn hán tốt hơn hoặc xây những ngôi nhà mát mẻ hơn để chống lại tình trạng gia tăng nhiệt độ, từ đó giảm bớt tổn thất. Điều này có thể cho phép các công ty bảo hiểm đặt các yếu tố kích hoạt cao hơn.

Ở hầu hết các nước có nền kinh tế đang phát triển, đầu tư cho khả năng chống chịu và phục hồi từ biến cố thời tiết vẫn ở mức rất thấp. Năm 2020, các quốc gia giàu có chỉ đóng góp 29 tỉ USD để giúp các nước nghèo ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 340 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030 mà Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc ước tính là cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mai Đan