Môi trường

Thừa Thiên- Huế:  Tăng cường bảo vệ động vật hoang dã

Văn Dinh 21/05/2023 - 17:17

(TN&MT) - Nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp đa ngành trong công tác ngăn chặn, chấm dứt nạn săn, bắt, vận chuyển và mua bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD), ngày 21/5, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thông qua dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tổ chức “Hội nghị liên ngành cấp tỉnh về công tác bảo vệ ĐVHD tại Thừa Thiên - Huế”.

Gần 100 đại biểu từ các sở, ban, ngành, UBND các xã/ thị trấn và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các cán bộ quản lý của Tổ chức WWF đã tham dự sự kiện này.

z4363597567730_933a81d80f8bdb1726f079f838f939bb.jpg
Quang cảnh hội nghị

Đại diện Kiểm lâm Thừa Thiên – Huế cho biết, Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong những năm qua với áp lực từ nhiều phía, trong đó có tình trạng săn bắt, nuôi nhốt ĐVHD trái phép làm cho tài nguyên rừng, động vật bị suy giảm đáng kể. Nhiều loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Bảo vệ các loài ĐVHD đang ngày càng trở nên cấp bách. Chính vì vậy, ngoài lực lượng kiểm lâm, rất cần sự chung tay góp sức của các cơ quan ban ngành, các đơn vị liên quan khác nhằm đem lại hiệu quả cao hơn trong công tác bảo vệ ĐVHD, bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngày 28/4/2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thiết lập và công bố đường dây nóng về bảo vệ ĐVHD. Sau khi đường dây nóng đi vào hoạt động đã lan tỏa tích cực đến người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng trăm trường hợp gọi đến để trình báo, giao nộp ĐVHD, đặc biệt các em học sinh nhỏ tuổi cũng đã chủ động liên hệ.

z4363595307061_c9de33d6835367bd76eb3eb9b849b8d6.jpg
Các đại biểu chia sẻ tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã thông tin về tình hình xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây; báo cáo tình hình giải quyết các phản ánh qua đường dây nóng… Hội nghị cũng đã thảo luận về các nội dung trọng tâm như cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong việc kiểm soát hành vi săn, bẫy, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ trái pháp luật ĐVHD trên địa bàn tỉnh; xử lý các hành vi quảng cáo ĐVHD trên mạng xã hội facebook; góp ý cụ thể về văn bản dự thảo hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD…

“Hội nghị ngày hôm nay là cơ hội để các đại biểu đến từ các sở, ban ngành cùng với chính quyền địa phương gặp gỡ và trao đổi nhằm tăng cường sự phối hợp hiệu quả trong công tác bảo vệ ĐVHD. Căn cứ vào những kết quả thảo luận trong hội nghị này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành những văn bản mới để hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD…”, ông Nguyễn Hữu Huy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án VFBC cho hay.

WWF đang hợp tác với Bộ NN&PTNT, chính quyền các tỉnh và các đối tác khác triển khai Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Hợp phần hướng đến mục tiêu duy trì và tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và duy trì ổn định các loài ĐVHD ở những khu rừng có giá trị bảo tồn cao tại Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng và Vườn quốc gia Cát Tiên, Cúc Phương

Văn Dinh