Nghệ An: Dân tộc Thái chống hạn độc đáo bằng cọn nước
(TN&MT) - Từ bao đời nay, để chống chọi lại với tình trạng thiếu nước, hạn hán trong sản xuất lúa nước… đồng bào dân tộc Thái ở các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An như Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương đã tìm ra cách khắc phục độc đáo bằng những chiếc cọn nước.
Với đặc thù các huyện miền núi, địa hình núi non hiểm trở nên hồ đập ít, nhỏ lẻ, các dòng khe suối cũng có độ dốc lớn. Do vậy, việc tích trữ nước, chống hạn vào mùa khô hết sức khó khăn. Mặt khác, việc chống hạn bằng những chiếc máy bơm chạy bằng xăng dầu, tưới nước tốc độ nhanh là điều rất xa xỉ vì chi phí lớn… Trong cái khó ló cái khôn, từ nhiều năm nay, đồng bào dân tộc Thái ở các huyện miền Tây Nghệ An đã có phương án đối phó với hạn hán bằng những chiếc cọn nước (còn gọi là guồng nước) bằng gỗ, tre tự chế hết sức độc đáo, đơn giản, chi phí thấp mà hiệu quả lại cao.
Các bản Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2 thuộc xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu), đất ruộng hai bên dòng sông Hiếu chủ yếu đều pha cát, dùng máy bươn cũng chỉ được một hai ngày, dân nghèo nên không có tiền mua máy bơm nước chạy xăng dầu. Và, cách chống hạn bằng những chiếc cọn nước tự chế đơn giản, kinh phí ít, nhưng lại mang đến hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Ông Sầm Văn Tâm, bản Hoa Tiến I cho biết: “Cọn nước có từ đời ông cha chúng tôi, làm cọn nước không khó làm, dụng cụ cũng đơn giản, làm 2 đến 3 ngày là xong, chi phí cũng thấp hơn, trong bản có trung bình từ 70 - 80 chiếc cọn nước phục vụ tưới cho hơn 40 ha đất trồng lúa”.
Mỗi cọn nước ước tính chi phí vào khoảng 2 - 3 triệu đồng, được thiết kế rất khéo léo từ những vật liệu của núi rừng như tre, nứa. Cọn nước bình thường dùng được 2 năm, sau đó tu sửa lại và có thể sử dụng tiếp. Những chiếc cọn nước của đồng bào miền núi đã trở thành những công trình thủy lợi tự chế hết sức độc đáo, phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn hán cho bà con nơi đây, đặc biệt là các cánh đồng khô hạn ở vị trí cao.
Ông Sầm Văn Kính - Bí thư Đảng ủy xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) cho biết: “Xã Châu Tiến có gần 280 ha đất trồng lúa, trong đó có khoảng một nửa thường xuyên thiếu nước, việc đảm bảo nước tưới tiêu bằng kênh mương thủy lợi là không thể, bà con tự làm cọn nước chống hạn rất tốt, tiết kiệm kinh phí xây dựng hệ thống thủy lợi, với những chiếc cọn nước bà con đã giải quyết được khó khăn cho chính quyền trong việc chống hạn”.
Một thực tế cho thấy, do điều kiện miền núi, nhiều diện tích gieo cấy nhỏ lẻ, mỗi bãi có vài héc ta đất trồng lúa, nếu đầu tư hệ thống thủy lợi sẽ rất khó khăn, lãng phí. Người dân ở đây cũng chưa bao giờ dám nghĩ sẽ bỏ tiền ra để mua máy bơm chảy bằng xăng dầu.
Còn tại xã Châu Bính giáp ranh với xã Châu Tiến, tuy diện tích lúa nước của xã này ít hơn so với Châu Tiến nhưng tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp cũng thường xuyên xảy ra. Cả xã chỉ có đập Khe Nhã là đập chính nên công tác phục vụ tưới tiêu không đủ cho cả xã. Vì thế, người dân cũng nảy ra ý tưởng làm cọn nước để chống hạn.
Theo chị Vi Thị Nhâm, Cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Châu Bính, trong vụ Xuân vừa qua cả xã cũng làm 42 cái cọn nước để chống hạn. Những chiếc cọn nước chủ yếu ở bản Kiềng, bản hay thiếu nước tưới nhất của xã. Nhờ những cái cọn nước này mà vụ Xuân vừa qua xã nhà được mùa lớn.
Chị Nhâm cho biết thêm: “Làm cọn nước rất đơn giản, hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt, vật tư không tốn nhiều tiền, người Thái ở đây từ bao đời nay vẫn duy trì làm cọn nước, sản lượng lúa năm nào cũng đạt năng suất cao, người nông dân hết sức phấn khởi…”.