Môi trường

Sóc Trăng: Chú trọng bảo vệ môi trường gắn với giảm nghèo bền vững

Lê Hùng 19/05/2023 - 15:48

(TN&MT) - Những năm gần đây, các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể tỉnh Sóc Trăng đã luôn quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường (BVMT). Qua đó, góp phần giúp địa phương thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới giảm nghèo bền vững.

a1.-soc-trang.jpg
Phong trào làm sạch môi trường đang lan tỏa từ đô thị đến nông thôn

Quan tâm đầu tư

Hàng năm, để BVMT khu vực đô thị và nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp; tỉnh Sóc Trăng đều xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí thông qua việc đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, cụm dân cư...; cải tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ bãi lưu chứa rác, các tuyến kênh rạch.

Cùng với đó, nhằm kiểm soát, xử lý triệt để khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 650 tấn/ngày tại khu vực đô thị và nông thôn, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tỉnh Sóc Trăng cũng đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung; đồng thời, đẩy mạnh công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn, nhất là ở khu vực nông thôn để xử lý theo đúng quy định.

Song song với việc đẩy mạnh các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tỉnh Sóc Trăng còn tập trung đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa”, góp phần BVMT. Thống kê từ ngành chức năng cho thấy, hiện nay, lượng rác thải nhựa phát sinh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng khoảng 16,5 tấn/ngày, trong đó, tập trung nhiều ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Ông Phạm Văn Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp các sở ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa theo đúng các quy định của pháp luật. Qua đó, đã giảm thiểu tối đa chất thải nhựa phát tán vào môi trường xung quanh.

Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, việc một bộ phận người dân lạm dụng phân bón hóa học trong trồng trọt, xử lý các phế phẩm sau thu hoạch chưa đúng cách đã để lại nhiều hệ lụy đối với môi trường đất, nước và không khí.

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho hay, để giải quyết khối lượng rác thải nhựa phát sinh, trong đó có bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, Sở NN&PTNT đã hợp đồng với các đơn vị có chức năng tổ chức thu gom, vận chuyển, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố; triển khai xây dựng các bể lưu chứa tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thu gom, lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

a2.-soc-trang.jpg
Tận dụng rơm để làm phân hữu cơ, giúp người dân cải thiện đời sống

Cải thiện thu nhập

Hiện nay, ngoài việc tiếp tục thực hiện kế hoạch thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng còn phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ người dân địa phương triển khai các mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi, trong sản xuất nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh để vừa góp phần BVMT, vừa giảm chi phí đầu tư và giúp người dân cải thiện thu nhập.

Cũng như nhiều người dân khác, trước đây, mỗi khi thu hoạch xong 3 công lúa, ông Nguyễn Hải Hòa (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) lại gom rơm rạ đốt ngay trên ruộng để tạo tơi xốp cho đất. Tuy nhiên, sau khi hiểu được những tác hại của việc đốt rơm đối với môi trường và những lợi ích thì ông Hòa không còn đốt từ rơm rạ nữa. “Khoảng 2 năm nay, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của địa phương, tôi đã tận dụng rơm trộn với chất thải gia súc, gia cầm ủ làm phân hữu cơ để bón lót cho cây trồng. Với cách làm này, giúp gia đình tôi giảm đáng kể chi phí đầu tư sản xuất, cải thiện thu nhập, góp phần giúp gia đình tôi thoát khỏi diện nghèo”- ông Hòa phấn khởi nói.

Ông Thái Hồng Hà, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Châu Thành thông tin, thời gian qua, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan, đơn vị tỉnh Sóc Trăng, nhiều người dân trên địa bàn các xã An Hiệp, Thuận Hòa,... đã biết cách dùng rơm rạ kết hợp với chất thải gia súc, gia cầm ủ làm phân hữu cơ, dùng rơm sản xuất nấm..., từ cách làm này, không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư trồng trọt, nâng cao thu nhập, giúp nhiều người dân thoát nghèo mà còn góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống.

Theo ông Thái Hồng Hà, cùng với việc tận dụng các phế phẩm sau thu hoạch nông nghiệp, người dân trên địa bàn huyện Châu Thành cũng tích cực tham gia các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần do Phòng TN&MT và các hội, đoàn thể của huyện phát động.

Thông qua các hoạt động này đã giúp cho nhiều người dân là hội viên các hội, đoàn thể nâng cao nhận thức về BVMT; đồng thời, việc các hội, đoàn thể triển khai các mô hình: “biến rác thải thành tiền” hay “phụ nữ nói không với rác thải nhựa”... đã góp phần giải thiểu lượng rác thải nhựa phát sinh; kịp thời hỗ trợ, cải thiện đời sống cho nhiều người dân từ nguồn quỹ bán phế liệu, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Chính từ sự nỗ lực của các sở ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc triển khai các giải pháp thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa đã làm cho môi trường ở đô thị cũng như nông thôn tỉnh Sóc Trăng có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần người dân không ngừng được nâng lên, góp phần giúp tỉnh Sóc trăng thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT, phục vụ giảm nghèo bền vững.

Lê Hùng