Môi trường

Giải pháp giảm phát thải KNK trong sản xuất vật liệu xây dựng

Thuỵ Khanh 19/05/2023 - 14:27

(TN&MT) - Ngày 19/5, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Đại sứ Quán Vương Quốc Anh, Đại sứ Quán Hà Lan và Công ty CP Công nghệ và Tư vấn CIC tổ chức Hội thảo “Giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp xi măng và thép tại Việt Nam”.

3bc83f02-3ef7-4f2a-a1a1-1f4314c29582.jpeg
PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng cho biết, trong quá trình phát thải khí nhà kính, chuỗi phát thải khi sử dụng điện năng, vận chuyển, sản xuất vật liệu xây dựng,… đã gây ra sự ô nhiễm không khí và môi trường nghiêm trọng. Trong đó, phát thải khí nhà kính (KNK) xuất phát từ 2 nguồn chính là từ quá trình sản xuất xi măng, thép và từ nguyên liệu hoá thạch. Phát thải KNK trực tiếp đến từ quá trình sử dụng điện lưới trong các hoạt động sản xuất thương mại, được tính đến tại hệ thống kiểm kê Quốc gia đang thuộc nhóm năng lượng phát thải gắn kết. Vì vậy, việc giảm nhu cầu sử dụng điện sẽ góp phần làm giảm nhu cầu sản xuất năng lượng và giảm phát thải KNK. 

Theo hệ thống kiểm kê Quốc gia, dự báo đến năm 2030, phát thải của ngành sản xuất vật liệu xây dựng sẽ rơi vào khoảng 125 triệu tấn CO2 tương đương và đến 148 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050. Trong đó, sản xuất xi măng chiếm tỷ trọng 70%, lớn nhất trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD). Hệ số phát thải cho thấy ngành công nghiệp xây dựng có mức phát thải KNK rất cao. Do đó, Nhà nước cần xây dựng những chiến lược, chính sách đối với việc thay thế năng lượng các- bon sử dụng cho các tòa nhà, công trình. Điều này sẽ giúp giảm thiểu các nguồn phát thải KNK, đặc biệt là quá trình sản xuất VLXD trong thi công. 

Tham luận tại Hội thảo, TS. Hoàng Hữu Tân - Vụ Phó Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng đã trình bày về Tổng quan ngành xi măng Việt Nam hướng đến giảm phát thải các bon tại Việt Nam. Trong đó, TS Hữu Tân cho biết, tình trạng phát thải KNK với quy mô công nghệ 86 dây chuyền xi măng sử dụng công nghệ lò quay như hiện nay sẽ tiêu thụ trung bình hơn 800 kcal/kg clinker nhiệt năng, mức tiêu tốn điện năng chiếm khoảng 20 -30% lượng điện trong 23 dây chuyền sản xuất… gây tiêu hao nhiên liệu, điện năng và nhiệt năng.

0e0c5c29-b4ce-4a06-85f2-467360c7c91f.jpeg
TS. Hoàng Hữu Tân - Vụ Phó Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng trình bày tham luận tại Hội thảo

Do đó, để phát triển ngành xi măng tại Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030, cần phải có sự đầu tư về hệ thống tận dụng nhiệt khí thải, đáp ứng được các nguyên liệu sản xuất; Áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất như lượng nhiên liệu thay thế (từ xử lý rác, chất thải,…) các nhiên liệu hóa thạch đạt 15% tổng nhiên liệu; Khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, tận dụng tối đa các loại chất thải là nguyên liệu, phụ gia cho sản xuất; Tăng cường bảo vệ môi trường bằng hình thức chuyển đổi cách thức lọc bụi, kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất đáp ứng yêu cầu về môi trường và sử dụng thiết bị giám sát nồng độ bụi có kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý môi trường. 

Trong Giải pháp và kế hoạch hành động của ngành xây dựng thực hiện mục tiêu cam kết COP 26 của PGS. TS Vũ Ngọc Anh đã nhấn mạnh về các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong ngành sản xuất VLXD, đến năm 2030, 50% số lượng clinker và xi măng sẽ được tối ưu hóa trong quá trình đun, đốt để giảm tổn thất do nhiệt; Sử dụng máy nghiền đứng trong sản xuất xi măng, thu hồi nhiệt thải từ quá trình sản xuất xi măng và áp dụng công nghệ cải tiến trong sản xuất gạch nung. 

Đồng thời, định hướng từ nay đến 2050, cần quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật trong xây dựng các khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải các- bon thấp với 100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch được lồng ghép thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Trong khai thác và sản xuất VLXD, cần xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm xanh, phát thải các-bon thấp cho VLXD và vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng và công nghiệp.

c9ac8b99-a3e2-4b27-b913-745b0684d838.jpeg
Hội thảo “Giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp xi măng và thép tại Việt Nam”.

Ngoài ra, đối với xây dựng và quản lý công trình, tiêu chí và quy trình đánh giá công nhận công trình xây dựng phát thải các-bon thấp cần đạt 100% công trình mới kiểm kê KNK và giảm nhẹ phát thải, trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí xanh, 100% các tòa nhà thương mại, chung cư được chứng nhận các-bon thấp,… Từ những tiêu chí trên, sự huy động nguồn lực Quốc tế tham gia hỗ trợ ngành xây dựng ứng phó với BĐKH, đáp ứng mục tiêu và cam kết của quốc gia là vô cùng cần thiết.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh mong muốn Hội thảo sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư tư nhân về những chính sách, pháp lý trong việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến để giảm phát thải KNK trong ngành xây dựng, đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách pháp luật nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng phát thải KNK hiện nay. 

Thuỵ Khanh