Xã hội

Lào Cai phát triển nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Bích Hợp 21/09/2018 18:02

(TN&MT) - Để giảm thiếu thiệt hại cũng như chủ động ứng phó với thiên tai bão lũ, ngành nông nghiệp của tỉnh đã từng bước chuyển đổi các giống cây con phù hợp, thích ứng với những thay đổi và diễn biến bất thường của thời tiết cực đoan

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh đến nay có sự chuyển biến tích cực, từng bước phát huy lợi thế đặc thù của mỗi địa phương.

3-16034728920731051627745-crop-16034730230661863518224.jpg
Nhiều loại sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt đều gia tăng về sản lượng, giá trị, đem lại lợi ích cho nông dân.

Tính đến hết năm 2017, diện tích sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH tăng nhanh, đạt gần 1.230ha (gồm rau, hoa, dược liệu, cây ăn quả ôn đới, sản xuất lúa giống, chè). Đã tạo ra một số sản phẩm có thương hiệu trên thị trường, gắn kết theo chuỗi giá trị sản phẩm; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa giống, đáp ứng được trên 65% nhu cầu về hạt giống lúa chất lượng cho nhân dân trong tỉnh. Nhiều loại sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt đều gia tăng về sản lượng, giá trị, đem lại lợi ích cho nông dân.

Những năm trước, với hơn 1 mẫu đất sản xuất ven suối của gia đình ông Hà Văn Chí ở xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên (Lào Cai) chủ yếu trồng ngô và đậu tương. Tuy vậy, do đất nằm cạnh suối nên tình trạng úng ngập thường xuyên xảy ra trong mùa mưa.

Chính vì vậy, năng suất giảm, mất mùa triền miên. Từ tháng 8/2017, được sự hỗ trợ của dự án trồng dâu nuôi tằm do Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt triển khai trên địa bàn, ông Chí mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ hơn một mẫu đất sang trồng cây dâu tằm. Sau gần 1 năm chăm sóc, diện tích cây dâu của gia đình ông đã cho thu hoạch lá để chăn nuôi tằm.

Ông Hà Văn Chí cho biết: Trước đây, chỉ trồng ngô, đỗ tương, năm nào được mùa cũng chỉ thu được khoảng 18 triệu. Từ khi chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm thu nhập cao hơn hẳn, lứa đầu tiên đã thu được 8,9 triệu. Một năm, trồng dâu nuôi tằm có thể thu 5,6 lứa như vậy là 1 mẫu đất nhà tôi sẽ cho thu gần 100 triệu/ năm. Đặc biệt, cây dâu có khả năng chịu úng ngập rất tốt từ 20 25 ngày, mà ở đây lần nào úng ngập dài nhất cũng chỉ 5 ngày là cùng. Như vậy, trồng dâu nuôi tằm sẽ không còn lo ngập úng mất mùa nữa.

1-1620933771162.jpg

Theo ông Hà Văn Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Yên, hiện nay, cây dâu tằm đang là một trong những cây trồng chủ lực trong quá trình tái cơ cầu ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH của huyện Bảo Yên. Hiện tại, toàn huyện đã trồng được gần 40 héc ta cây dâu tại 2 xã Việt Tiến và Minh Tân với gần 200 hộ nông dân tham gia. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây dâu để phát triển nuôi tăm tại những vùng có điều kiện phù hợp.

Lâu nay, xã Quang Kim được coi là rốn lũ của huyện Bát Xát. Chỉ tính riêng trong trận mưa lũ lịch sử vào tháng 8/2016, hàng trăm héc ta lúa và hoa màu của người dân bị mất trắng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Để giảm thiểu thiệt hại và chủ động ứng phó với mưa lũ từ năm 2017 đến nay, tại các khu vực có nguy cơ cao bị ngập xã Quang Kim đã chuyển đổi sang trồng các cây ngắn ngày, vừa tận dụng được diện tích đất sản xuất, vừa giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân.

Hộ gia đình chị Liềng Thị Sun ở thôn Làng San, xã Quang Kim có hơn 2 sào đất sản xuất thường xuyên bị ngập mỗi khi có mưa lũ. Từ năm 2017, gia đình chị Sun đã chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng rau, vừa tránh được ngập úng, vừa cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa.

Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết: Tính đến thời điểm này, xã đã chuyển đổi 80ha đất sản xuất sang trồng cây ngắn ngày (chủ yếu là trồng rau sạch cung ứng cho thị trường thành phố Lào Cai và các vùng lân cận). Đây là những diện tích thường xuyên bị úng ngập, nguy cơ cao mất mùa. “Với năng suất bình quân trồng rau đạt 130 tạ/ha, với diện tích chuyển đổi này mỗi năm cho bà con thu nhập hàng trăm triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa mà lại không lo mất mùa do mưa lũ”.

Bích Hợp