Sơn La ứng phó với thiên tai: Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức
(TN&MT) - Là địa phương chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, tỉnh Sơn La xác định, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, thông tin tuyên truyền kịp thời đến cộng đồng và người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Năm 2020, thiên tai trên địa bàn tỉnh Sơn La đã làm 4 người chết, 12 người bị thương, hơn 9.000 nhà bị ảnh hưởng, cùng nhiều thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, cơ sở hạ tầng… Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 219 tỷ đồng.
5 tháng đầu năm 2021, đã xảy ra mưa to, gió lốc, mưa đá, làm 1 người bị thương, 359 nhà bị hư hỏng, tốc mái. Ước giá trị thiệt hại hơn 8 tỷ đồng.
Ông Cầm Bun Păn, Phụ trách Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La cho biết: Để chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, hàng năm, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông trong công tác dự báo, cảnh báo, thông tin về diễn biến thời tiết, tình hình thiên tai và công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai.
Trong 2 năm 2018-2019, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tổ chức 6 Hội thảo tuyên truyền cách phòng chống thiên tai cho 360 người dân tham dự, tại các huyện Mai Sơn, Mường La, Phù Yên và Thuận Châu. Đào tạo 1 lớp giảng viên cấp tỉnh về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho 42 học viên.
Năm 2020, tổ chức 19 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và tập huấn cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích Phòng, chống thiên tai các xã trọng điểm cho 845 người.
Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức phòng, chống thiên tai cho cộng đồng; các biện pháp, kiến thức, kỹ năng nhận biết, phòng chống, né tránh, thích nghi với các loại hình thiên tai mưa lớn, lũ quét, lũ lụt, sạt lở, ngập úng…
Tỉnh cũng thường xuyên vận động người dân đề cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phòng tránh tác động bất lợi của các dạng thiên tai tại nơi ở, trong đời sống sinh hoạt và sản xuất. Chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa; sẵn sàng phương tiện, thiết bị, vật tư ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Chủ động sơ tán, trú tránh tạm thời, dừng các hoạt động sản xuất, cho con em nghỉ học khi có dấu hiệu diễn biết thời tiết thủy văn cực đoan, nguy hiểm như mưa lớn, lũ lớn, giông lốc, mưa to dài ngày...
Bên cạnh đó, các thôn bản, cộng đồng vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chủ động xây dựng kế hoạch, nội quy, quy ước, hương ước bảo vệ, phòng tránh, thông tin, truyền tin ứng phó với thiên tai an toàn, ổn định bền vững. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuần tra các điểm sung yếu, nguy cơ lũ quét, sạt lở tại khu dân cư và sản xuất, chủ động khơi thông thanh thải lòng suối, khe suối, chủ động phương án, biện pháp phòng chống thiên tai.
Sơn La cũng kịp thời ngăn chặn những hoạt động trong đời sống sinh hoạt và sản xuất không an toàn trong mưa lũ, sạt lở như: Làm nhà ở ven sông suối, khe lạch, sườn núi, taluy, chân vách núi đá không an toàn về lũ quét, đá lăn, sạt lở; vớt củi, đánh bắt thủy sản, vượt lũ qua sông, suối, khe suối, cầu tạm...
Nhìn chung, công tác tuyên truyền, chuẩn bị phòng, chống, ứng phó với thiên tai đã được các cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng quan tâm; đặc biệt là tổ chức triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai cho người dân và chính quyền các cấp. Chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó, thích nghi giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra tới mức thấp nhất.
Năm 2021, xu thế khí tượng, thủy văn tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh Sơn La đã quán triệt tới các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”. Đồng thời, đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống thiên tai mùa mưa lũ 2021.