Xã hội

Gia Lai: Lên kịch bản ứng phó với thời tiết cực đoan và hạn hán

Quế Mai 11/06/2021 17:51

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề cho tỉnh Gia Lai như: gia tăng nhiệt độ, thay đổi chế độ mưa, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh và giảm năng suất nông nghiệp…

Tác động nghiêm trọng

Những năm gần đây, diễn biến thời tiết ở Gia Lai đang có xu hướng ngày càng cực đoan và tần suất, mức độ tăng hơn. BĐKH đã tác động đến mọi mặt đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Sự thay đổi bất thường của thời tiết gây mất mùa, giảm năng suất nghiêm trọng. Hiện tượng thời tiết cực đoan còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thu hoạch, bảo quản và luân chuyển nông sản.

a2.-dien-tich-lua-bi-thiet-hai.jpg
Nhiều diện tích lúa của người dân trong tỉnh Gia Lai bị thiệt hại vì khô hạn, thiếu nước

“Riêng đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ngành TN&MT Gia Lai lồng ghép các yếu tố BĐKH vào công tác quản lý bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cho tổ chức và người dân trong việc bảo vệ môi trường; đồng thời, thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác thải, chất thải rắn từ nguồn xã hội hóa; đảm bảo an ninh nguồn nước; đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh”.

Ông Huỳnh Minh Sở - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Gia Lai

Các đợt El Nino đã gây ra hạn hán trên phạm vi rộng, tình trạng cạn kiệt nguồn nước tại các dòng sông ngày càng phổ biến tại Gia Lai. Trong đó đặc biệt nghiêm trọng là đợt hạn hán xảy ra trong năm 2015 – 2016, thống kê của Sở NN&PTNT Gia Lai, đợt hạn hán này gây thiệt hại cho vụ Đông Xuân vào khoảng hơn 841 tỷ đồng.

Mùa khô năm 2020, nắng hạn kéo dài đã làm hơn 1.902 ha cây trồng trên toàn tỉnh Gia Lai bị thiệt hại nặng, trong đó có 1.652 ha lúa nước. Ngoài ra, nắng hạn còn khiến hàng nghìn hộ dân tại các huyện Đak Pơ, Kbang, Chư Prông… thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra khoảng hơn 40 tỉ đồng.

Chủ động ứng phó

Với kịch bản BĐKH đã được dự báo, thời gian tới, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ chịu tác động lớn bởi những hiện tượng thời tiết bất thường như: mưa lớn tập trung gây hạn hán, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất,… diễn ra với tần suất ngày càng tăng, làm thiệt hại đến hoạt động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp.

a1.-nguoi-dan-xa-ia-mor.jpg
Người dân xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô năm 2020

Do đó, tỉnh Gia Lai đã xây dựng Kịch bản hành động để ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, tỉnh sẽ triển khai các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ, chủ động phòng tránh thiên tai là trọng tâm, từ đó, sẽ nâng cao khả năng ứng phó, giảm thiểu tác động tiêu cực, đảm bảo phát triển bền vững.

Kế hoạch ứng phó với BĐKH tỉnh Gia Lai được định hướng theo từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH; giai đoạn 2026 - 2030, xây dựng chương trình, dự án thích ứng với BĐKH cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể; giai đoạn tầm nhìn 2050 sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao nguồn hỗ trợ đầu tư tài chính từ nước ngoài trong việc ứng phó với BĐKH.

Theo ông Huỳnh Minh Sở - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, để nâng cao khả năng thích ứng, chủ động phòng tránh tác động của BĐKH, các ngành, các địa phương trong tỉnh phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đến cả cán bộ và người dân; nâng cao năng lực và hình thành ý thức ứng phó; đồng thời, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; sử dụng nguồn năng lượng mới, giảm nhẹ khí nhà kính; nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh.

“Trong thời gian tới, để tăng hiệu quả ứng phó với BĐKH, ngành TN&MT tỉnh Gia Lai sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường quản lý tài nguyên nước; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông, suối; kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc xả nước thải chưa xử lý vào nguồn nước. Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân nhân rộng các mô hình thu gom, xử lý, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt làm giảm ô nhiễm và giảm phát thải khí nhà kính”, ông Huỳnh Minh Sở cho biết thêm.

Quế Mai