Biến đổi khí hậu

Quảng Bình: Phát triển du lịch thích ứng biến đổi khí hậu

Thanh Tùng 18/05/2023 - 10:00

(TN&MT) - Nhờ vị trí địa lý tự nhiên và địa hình đa dạng, Quảng Bình có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Tuy nhiên, tỉnh cũng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu. Làm thế nào để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch bền vững, thích ứng với thiên tai đang là bài toán đặt ra bức thiết với địa phương này.

Tiềm năng lớn, rủi ro nhiều

Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi với 116km đường bờ biển, có rừng, sông và nhiều bãi biển có cảnh quan đẹp như: Vũng Chùa - Đảo Yến (Nơi yên nghỉ của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Đá Nhảy, biển Nhật Lệ, Hải Ninh… Tỉnh cũng có điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các tổ hợp nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí cao cấp. Vùng ven biển có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Đèo Ngang, đèo Lý Hòa, cửa biển Nhật Lệ với quần thể di tích và danh thắng của TP. Đồng Hới…

Quảng Bình đề ra mục tiêu đến năm 2025, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình đạt 7 - 8 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 10 - 20%. Tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch đạt 10 - 12% tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Đặc biệt, Quảng Bình có Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, với những hang động tuyệt đẹp như động Phong Nha, động Thiên Đường và Sơn Đoòng, động lớn nhất thế giới, nơi chứa đựng các giá trị nổi bật toàn cầu về tính da dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên. Đầu năm 2023, chuyên trang đặt phòng nổi tiếng booking.com đã công bố giải thưởng thường niên Traveller Review Award 2023 tôn vinh 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2023. Theo đó, Phong Nha và Đồng Hới là 2 địa danh của tỉnh Quảng Bình nằm trong Top 10.

Dù là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất, nhưng ngành du lịch cũng đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu. Theo báo cáo, năm 2022, thiên tai đã làm 914 ngôi nhà ở Quảng Bình bị ngập; 8.300m chiều dài kênh mương, 2.400m đê bị sạt lở, cuốn trôi; 9.380ha lúa và 557ha hoa màu và cây ăn quả bị ngập, thiệt hại; 15.348m chiều dài đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã bị sạt lở. Ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh do mưa lũ khoảng 286,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, năm 2023, sẽ có khoảng 10 - 12 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 2 - 4 cơn ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Trung Trung Bộ. Hiện tượng El Nino đang có xu hướng mạnh lên, báo hiệu một mùa hè nắng nóng gay gắt, nguy cơ rất cao về cháy rừng, hạn hán vào mùa khô; mưa, bão diễn biến phức tạp vào cuối năm. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình hình thiên tai có xu hướng tịnh tiến theo hướng cực đoan sẽ ngày càng nhiều hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Thích ứng để phát triển bền vững

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh doanh, do đó cần tránh vấn đề gián đoạn. Trong khi đó, thời tiết là một trong những yếu tố gây nên sự gián đoạn của ngành du lịch. Vì vậy, sự chuẩn bị sẵn sàng với các hiện tượng thời tiết cực đoan là rất cần thiết. Thời tiết ở Quảng Bình khá đặc thù khi có những tháng mùa mưa lũ rất rõ ràng. Trong thời gian này, đa số ngành du lịch sẽ đóng cửa hoặc khách có xu hướng không muốn đi du lịch vào mùa có thiên tai, bão lũ. Thực tế này đòi hỏi ngành du lịch phải thích ứng, phải thay đổi hình thức.

7.jpg
Du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại xã Tân Hóa. Ảnh: Oxalis Adventure

Để tránh việc phải đóng cửa một cơ sở du lịch với hàng trăm lao động trong vài ba tháng trời, nhiều địa phương đã sáng tạo, khai thác các hình thức du lịch phù hợp với thời tiết. Mô hình làm du lịch thích ứng thời tiết tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa là một ví dụ điển hình. Tân Hóa có diện tích 72.4km², nằm ở phía Đông của huyện Minh Hóa, trong thung lũng rộng lớn và bằng phẳng, được bao bọc bởi dãy núi đá vôi trùng điệp. Uốn lượn giữa thung lũng là con sông Rào Nan - chia thung lũng thành hai bờ, nơi cư dân Tân Hóa tập trung định cư. Xã có dân số khoảng 3.300 người và tất cả đều là tộc người Nguồn.

Những năm 2010 trở về trước, cứ mỗi mùa lũ đến, người dân Tân Hóa phải chạy lên các lèn núi để tránh lũ. Họ trở về nhà khi tất cả mọi tài sản, của cải đều đã ngổn ngang bùn đất. Phải đến sau trận lụt lớn năm 2010, để chung sống với lũ, người dân nơi đây đã sáng chế ra mô hình nhà nổi. Mỗi nhà rộng khoảng 20m2, làm bằng gỗ hoặc tôn và có hệ thống thùng phuy được cột chặt bên dưới, giúp cho ngôi nhà có thể nổi được khi nước lũ dâng cao. Từ những ngôi nhà ban đầu được xây dựng, đến nay, đã có hơn 700 căn nhà nổi trong số hơn 715 hộ dân ở Tân Hóa. Những căn nhà nổi trở thành nơi trú ẩn an toàn cho người, tài sản trước sức mạnh của những con nước lớn.

Với Tân Hóa, nhà nổi không ở chỉ là tài sản, là cứu cánh trước thiên tai mà đã là một nét đặc trưng, hiếm nơi nào có được. Không giống như những vùng “rốn lũ” ở Quảng Ninh, Lệ Thủy, lũ ở Tân Hóa khá yên bình bởi nước lũ không có sóng lớn. Trong mưa lũ, người dân có thể sống bình thản trên những căn nhà nổi và di chuyển an toàn bằng những chiếc thuyền nhỏ. Gắn bó gần 1 thập kỷ, hiểu rõ đời sống của bà con nơi đây, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) đã nảy ra ý tưởng biến những căn nhà nổi này trở thành một sản phẩm du lịch ấn tượng ngay trong mùa mưa lũ.

Đến Tân Hóa, khách du lịch có thể trải nghiệm an toàn trong mùa mưa lũ như ở nhà nổi, thả lưới, câu cá, chèo thuyền kayak vượt lũ, vượt suối chinh phục hang động, ngắm cảnh quan mùa lụt, trải nghiệm cuộc sống của người dân. Đặc biệt, Công ty du lịch Oxalis vừa phối hợp với Sở Du lịch Quảng Bình đưa khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge và tour lái xe địa hình ATV khám phá rừng lim Tân Hóa vào hoạt động. Những sản phẩm du lịch mới, độc đáo này đưa Tân Hóa trở thành một điểm đến khám phá hấp dẫn. Nhờ đó, cuộc sống của người dân Tân Hóa cũng có những đổi thay từng ngày.

Thanh Tùng