Thách thức ngăn chặn đà suy giảm
(TN&MT) - Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5/2023 có chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”, nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học thành hành động. Mục tiêu là ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm ĐDSH, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050.
Hành động quốc gia cùng đạt mục tiêu toàn cầu
Trên cơ sở các nghiên cứu, IPBES chỉ ra, trong vòng 50 năm trở lại đây, tốc độ biến đổi và suy thoái của thiên nhiên diễn ra nhanh chưa từng có trong lịch sử loài người, làm suy giảm nhanh chóng các dịch vụ hệ sinh thái mà thiên nhiên cung cấp cho con người.
Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học cuối năm 2022, Việt Nam cùng hơn 190 quốc gia thành viên đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF), nhằm định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trên toàn cầu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. GBF đã đề ra mục tiêu khẩn trương đảo ngược lại quá trình mất ĐDSH, bằng cách thúc đẩy các quốc gia gấp rút triển khai các nội dung phù hợp với bối cảnh của quốc gia mình.
Mục tiêu cụ thể đến 2030 tập trung vào việc giảm thiểu các mối đe dọa đến ĐDSH ở cả 3 cấp độ hệ sinh thái, loài, nguồn gen. Các giải pháp sử dụng bền vững và chia sẻ lợi ích của ĐDSH có thể đáp ứng nhu cầu của con người. GBF cũng sẽ thúc đẩy các cơ chế tài chính, tăng cường năng lực thực thi, hợp tác khoa học kĩ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ các quốc gia đạt được mục tiêu của minh.
Đến 2050, ĐDSH được thừa nhận, bảo tồn, phục hồi và sử dụng khôn khéo, thúc đẩy các dịch vụ hệ sinh thái, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho tất cả mọi người.
Xoay quanh tầm nhìn đến 2050, các mục tiêu tổng quát của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu hướng đến sự toàn vẹn, kết nối và phục hồi của các hệ sinh thái; chấm dứt các hành động của con người gây ra sự tuyệt chủng của các loài nguy cấp; duy trì tính đa dạng của các nguồn gen. Qua đó, đảm bảo thiên nhiên sẽ cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho con người không chỉ ở thời điểm hiện tại mà trong cả tương lai.
Quy hoạch để bảo tồn ĐDSH
Để ngăn chặn tốc độ suy giảm ĐDSH của Việt Nam, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra nhiều giải pháp ưu tiên, trong đó chú trọng tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực của các tổ chức, nhân lực làm công tác bảo tồn ĐDSH từ Trung ương đến địa phương.
Từ nay đến năm 2030, hệ thống chính sách, pháp luật sẽ được rà soát đảm bảo tính hệ thống, thống nhất và cập nhật những yêu cầu mới nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và thực tiễn Việt Nam; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về ĐDSH; thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các cán bộ làm công tác bảo tồn ở vùng sâu, vùng xa tại các khu bảo tồn thiên nhiên.
Chiến lược cũng định hướng tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH cho các cấp, các ngành và toàn xã hội; xây dựng lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên; đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.
Hiện nay, Chính phủ đang trong quá trình thẩm định Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lần đầu tiên công tác bảo tồn ĐDSH được tiếp cận dưới góc độ quy hoạch quốc gia, mang tính toàn diện, bao trùm.
Theo đó, mục tiêu tổng thể là gia tăng diện tích, phục hồi, đảm bảo tính toàn vẹn và kết nối các hệ sinh thái tự nhiên; quản lý bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm; xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn ĐDSH, khu vực ĐDSH cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.
Quy hoạch nhấn mạnh yếu tố kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên ĐDSH; thực hiện bảo tồn tại chỗ cùng với bảo tồn chuyển chỗ. Công tác bảo tồn ĐDSH ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên cũng sẽ được tăng cường; hạn chế tối đa việc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, thay đổi mục đích sử dụng đất tại các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên trong phạm vi bảo vệ....
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định quy hoạch mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Nếu bảo tồn chỉ đơn giản là khoanh lại và giữ nguyên thì không phát triển được kinh tế, ngược lại chỉ tập trung phát triển kinh tế thì sẽ không thể bảo tồn hiệu quả. Do vậy, Quy hoạch phải hài hòa hai mục tiêu này, trong đó bảo tồn phải thay đổi trước một bước, "đánh thức" giá trị cảnh quan, tài nguyên ĐDSH để quản lý, khai thác, sử dụng triệt để, bền vững bằng các dịch vụ sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao.