Sơn La: Lấy ý kiến dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
(TN&MT) - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La vừa tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Bà Hoàng Thị Đôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh chủ trì Hội nghị.
Góp ý tại Hội nghị, ông Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Cần bổ sung điều khoản về tình trạng khẩn cấp và rủi ro về nước trong dự thảo Luật. Việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước đồng thời phải rà soát các Luật liên quan như: Đất đai, Lâm nghiệp, Khoáng sản.
Còn theo đại diện Sở TN&MT tỉnh, cần làm rõ khái niệm “các công trình khai thác nước lớn” tại khoản 1, Điều 25 là công trình có quy mô như thế nào, bởi Dự thảo không giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết nội dung này, nên khó xác định trong thực tế.
Khoản 2 Điều 28, đề nghị chỉnh sửa thành “UBND cấp tỉnh phê duyệt và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước”, do các công trình cấp nước sinh hoạt đều do các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, kinh doanh.
Vấn đề cấp phép "thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi", cần rà soát để thống nhất quy định với Luật Thủy lợi. Hiện, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi là ngành nông nghiệp; dự thảo Luật đang quy định cơ quan cấp phép – ngành nông nghiệp xin ý kiến cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi - cũng là ngành nông nghiệp là không phù hợp.
Liên quan đến quy định tại điểm đ, khoản 6 Điều 53 Dự thảo Luật về quan trắc khí tượng, thủy văn, Sở TN&MT đề nghị bỏ phần nội dung “Quan trắc khí tượng, thủy văn và tính toán, dự báo lượng nước đến hồ phục vụ vận hành hồ chứa” hoặc chỉnh sửa thành: “Quan trắc khí tượng, thủy văn và tính toán, dự báo lượng nước đến hồ phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định tại Luật Khí tượng thủy văn”. Do Luật Khí tượng thuỷ văn đã có hướng dẫn chi tiết nội dung này.
Điều 80, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước, đề nghị bổ sung: Tranh chấp về nguồn nước khai thác cho các mục đích sử dụng. Đồng thời, đề xuất đưa vào Dự thảo Luật quy định Chính phủ hướng dẫn trình tự, quy trình giải quyết tranh chấp tài nguyên nước từ cấp xã đến cấp tỉnh.
Trên thực tế, tình trạng tranh chấp nguồn nước giữa các tổ chức, cá nhân đang xảy ra ngày càng nhiều. Song, Luật Tài nguyên nước 2012 đang không có hướng dẫn, gây khó khăn cho địa phương trong giải quyết tranh chấp.
Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến của đại diện Công ty Thủy điện Sơn La liên quan đến Khoản 7 Điều 53 Dự thảo Luật. Dự thảo quy định, sử dụng một phần dung tích trên mực nước dâng bình thường của các hồ chứa để cắt giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường.
Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và El Nino,… tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra. Do đó, cần có quy định về căn cứ theo tình hình dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn để có phương án thực hiện tích trữ nước sớm trước mùa lũ cho mục đích chống hạn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Đôi đã đánh giá cao các ý kiến tham gia của các đại biểu; giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh dự thảo báo cáo tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp.