Xã hội

Người miền núi hiến đất mở đường

Tùng Lâm 04/05/2018 09:38

(TN&MT) - Những ngày tháng Tư lịch sử, trên mảnh đất ATK Thái Nguyên, thêm nhiều cung đường bê tông đang tiếp tục được "vẽ" lên trên những bản, làng. Người miền núi, vùng cao mừng vui đi trên những cung đường mới.

Mùa này về Thượng Nung (Võ Nhai), khắp nơi trải dài một màu xanh trù phú. Trên sườn núi, những nương ngô đang vươn mình đón nắng; dưới thung lũng, lúa đương đứng cái, làm đòng... Những cung đường bê tông vào các bản người Mông: Lũng Hoài, Lũng Cà, Lũng Luông vẫn vững chãi qua hai mùa mưa nắng. Sau hơn hai năm có con đường mới, cuộc sống của người dân ở những vùng đang còn nhiều gian khó này đã có sự chuyển mình khi nông sản được mang ra chợ bán nhiều hơn, cuộc sống của bà con cũng nhờ thế mà vợi bớt khó khăn. Ông Lương Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung bảo, để có những con đường bê tông vắt qua sườn núi, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước còn có sự góp công, góp đất của hàng trăm hộ dân nơi đây.

123-49-2187-.jpg
Con đường dài hơn 2km vào bản người Mông Na Sàng (Phú Đô) được mở mới đầu năm 2015. 10 trong tổng số 22 hộ dân trong bản đã hiến hàng nghìn mét vuông đất cho Nhà nước mở đường.

Không chỉ riêng người dân ở các bản người Mông, xã Thượng Nung mà nhiều hộ dân tộc thiểu số trong tỉnh cũng rất tích cực hiến đất để làm nên đường mới rộng rãi, đi lại thuận tiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2011 đến nay, người dân trong tỉnh đã hiến gần 100ha đất để làm đường, nhất là những tuyến đường bê tông theo Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Trong đó có nhiều hộ dân là người dân tộc thiểu số, dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng vì lợi ích của cộng đồng vẫn tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất nông nghiệp và đất ở. Đơn cử như ông Lương Văn Đăng, 61 tuổi, người dân tộc Sán Dìu ở xóm Đồng Lâm, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ). Dù gia đình vẫn còn không ít khó khăn, nhưng năm 2014, ông đã hiến 250m2 đất để mở rộng con đường dài hơn 4km đi từ thị trấn Trại Cau sang xóm Đồng Lâm và Trại Đèo (Tân Lợi). Ông cho hay: Dù đã hiến một phần tư diện tích đất ở của gia đình để làm đường những tôi vẫn thấy vui. Bao năm đi lại trên con đường gập ghềnh, tôi thấu hiểu nỗi khổ của người dân trong xóm. Bởi vậy, khi Nhà nước vận động hiến đất làm đường, tôi đồng ý ngay. Tôi hiểu, con đường hoàn thành không chỉ phục vụ cho việc đi lại, phát triển kinh tế của người dân hôm nay mà nó còn phục vụ cho đời con, đời cháu chúng tôi mai sau.

Cũng giống như ông Đăng, khoảng 3 năm trước, anh Lương Trung Hiếu, 34 tuổi, người dân tộc Tày ở xóm Na Pặng, xã Ôn Lương đã tự nguyện hiến 400m2 đất của gia đình cho xóm mở rộng đường giao thông. Với anh, dù “tấc đất” là “tấc vàng” nhưng lợi ích của cộng đồng vẫn là điều đáng quý nhất. Anh tâm niệm: Nếu cứ ích kỷ cá nhân, không chịu hiến đất thì Nhà nước không hỗ trợ xi măng, xóm sẽ mất cơ hội làm đường, người dân mất đi cơ hội được đi lại thuận tiện trên con đường mới. 

Ngoài ông Đăng, anh Hiếu, ông Lục Văn Sáu, 51 tuổi, người dân tộc Sán Dìu ở xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt (Phú Bình) cũng là tấm gương điển hình trong phong trào hiến đất làm đường. Ngoài việc hiến 350m2 đất của gia đình, trong vai trò là người có uy tín của xóm, ông còn vận động bà con hiến trên 3.000m2 đất, di dời tài sản trên đất và đóng góp tiền, hơn 1.000 công lao động để nâng cấp mở rộng 2,5km đường qua xóm cách đây hai năm. Theo ông, người dân tộc thiểu số không nên trông chờ ỷ lại vào Nhà nước mà phải biết phát huy nội lực, đoàn kết dựng xây xóm làng ngày càng phát triển.

duongpb21-2-2022.jpg
Con đường mới của xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình

Có thể thấy, bộ mặt của miền núi, vùng cao đang đổi thay từng ngày, hơn 302 nghìn người dân tộc thiếu số trong tỉnh đang thụ hưởng những lợi ích thiết thực từ việc hiến đất làm đường mang lại. Giao thông bây giờ không còn cách trở, gian truân như trước nữa, điều này cũng đã minh chứng cho sự cống hiến quý giá của đồng bào cho sự phát triển của quê hương hôm nay và mai sau.
Ông Nông Văn Trân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Để người dân tộc thiểu số tích cực thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì phải phát huy vai trò của người tiêu biểu trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi vậy, hằng năm, chúng tôi đã tổ chức và chỉ đạo cấp cơ sở thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cho những người tiêu biểu có kiến thức để tuyên truyền đến cộng đồng; định kỳ tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho  người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó là tổ chức đi tham quan những di tích lịch sử, học tập những mô hình làm kinh tế giỏi, những điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực để người có uy tín, người dân tộc thiểu số tiêu biểu mở rộng hiểu biết và vận động bà con làm theo. Đồng thời, tạo điều kiện giúp đồng bào xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, nêu tấm gương tốt cho bà con...

Chính những hoạt động trên đã tạo cho người dân tộc thiểu số tiêu biểu nói riêng, người dân tộc thiểu số nói chung phát huy được vai trò của mình đối với cộng đồng, thi đua lao động sản xuất, học tập, quyết tâm phấn đấu vươn lên khắc phục mọi khó khăn, không trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước...

Tùng Lâm